Một phi công Syria đã lái chiếc máy bay chiến đấu MiG-21 sang Jordan và xin được tị nạn chính trị. Syria đã lên án phi công là kẻ phản bội đất nước.
Vụ đào tẩu của phi công MiG-21 là vụ đào tẩu bằng máy bay đầu tiên trong không quân Syria.
Chính phủ Syria đã lên án phi công là “kẻ phản bội đất nước và danh dự quân đội”, cho biết sẽ trừng phạt phi công theo luật quân sự và đang yêu cầu chính phủ quốc gia láng giềng Jordan trả lại chiếc máy bay chiến đấu.
Chiếc MiG-21 do Nga chế tạo đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Mafraq của Jordan, gần biên giới Syria.
Các máy bay chiến đấu MiG-21. |
Hãng thông tấn nhà nước Sana của Syria đưa tin phi công đào tẩu là Đại tá Mirei al-Hamadeh và cho hay chiếc máy bay do ông này điều khiển đã bị mất liên lạc vào khoảng 10h34 sáng qua giờ địa phương khi đang thực hiện chuyến bay huấn luyện ở gần biên giới phía nam.
Một nguồn tin an ninh nói phi công đã bay từ sân bay quân sự al-Dumair ở phía đông bắc thủ đô Damascus.
Một quan chức Jordan cho hay đề nghị xin tị nạn chính trị của phi công đã được chấp thuận vì các lý do nhân đạo vì ông này có thể bị trừng phạt nếu quay trở lại.
Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), không quân Syria có 365 máy bay có khả năng chiến đấu, trong đó có 50 chiếc MiG-23 và MiG-29 Fulcrum và khoảng 40.000 quân nhân.
Vụ đào tẩu của phi công MiG-21 diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Jordan và Syria đang trong tình trạng căng thẳng. Jordan đã chỉ trích Tổng thống Bashar al-Assad trong việc đối phó với người biểu tình.
Amman cũng lo ngại về khả năng phản ứng quân sự từ Syria sau nhiều tháng căng thẳng biên giới khi hàng nghìn người Syria bỏ chạy khỏi bạo lực sang Jordan.
Một quan chức Jordan giấu tên nói vụ việc liên quan tới phi công MiG-21 “rất khó giải quyết”.
Theo Dantri