Qua nội dung xét hỏi, đối chất và luận tội tại phiên tòa, có thể thấy một số bị cáo, trong đó có chủ mưu Nguyễn Phương Hằng, đã chưa nhận thức một cách đúng và đủ hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Các bị cáo bị buộc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo điều 331 Bộ Luật Hình sự. Bị cáo Hằng cho rằng cáo trạng buộc tội không sai nhưng chính bà bị "công kích trước". Ngay cả khi hai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Huỳnh Minh Hưng và Nguyễn Thị Mỹ Oanh đã rút yêu cầu bồi thường thiệt hại, chỉ đề nghị bà Hằng xin lỗi tại tòa, nhưng bị cáo này không cầu thị, bảo là bà đã bị tạm giam 18 tháng, "đó là cái giá quá đắt rồi"…
Nếu thật sự bà Hằng bị "công kích trước" thì bị cáo đồng phạm - tiến sĩ luật Đặng Anh Quân thay vì giúp bà thu thập chứng cứ, tố cáo đối tượng "tấn công" đến các cơ quan pháp luật, thì cả hai cùng lên mạng phát ngôn xúc phạm danh dự, nhân phẩm; nhục mạ người ta. Những người am hiểu pháp luật và tôn trọng pháp luật thì chẳng ai làm thế cả. Và nếu bị cáo Hằng bảo rằng thời gian tạm giam là cái giá phải trả quá đắt với bà thì ai trả giá thay cho các nạn nhân đã bị nhục mạ, bị xúc phạm nghiêm trọng; ai trả giá thay cho biết bao người trong xã hội này là nạn nhân gián tiếp của 57 cuộc "livestream ô nhiễm" trên không gian mạng?
Mức án 3 năm tù giam cho bị cáo Nguyễn Phương Hằng, 2 năm 6 tháng tù giam cho bị cáo Đặng Anh Quân là khá phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi tội phạm cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra. Không chỉ là án phạt nghiêm minh cho các bị cáo mà từ đây cũng làm thức tỉnh những ai cố tình hiểu sai lệch, đánh tráo khái niệm về "tự do ngôn luận".
Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận của công dân đều được hiến định trong các Hiến pháp qua nhiều thời kỳ. Điều 25 Hiến pháp 2013 ghi rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định". Vậy, tự do ngôn luận không phải là muốn nói gì thì nói, mà phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Điều 331 Bộ Luật Hình sự quy định: "Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm". Ngoài ra, còn nhiều luật và văn bản dưới luật khác chế tài các hành vi tội phạm trên không gian mạng.
Một số hành vi khác của bị cáo Nguyễn Phương Hằng có dấu hiệu phạm vào tội "Vu khống", "Làm nhục người khác", "Đe dọa giết người" sẽ được tiếp tục làm rõ. Ngay sau phiên tòa này, những ai đang mơ hồ về tự do ngôn luận hoặc còn bênh vực "thần tượng mạng" của mình, hẳn đã tỉnh thức?