Tin tức

Philippines để Trung Quốc xây hạ tầng viễn thông quân sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Văn phòng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua lên tiếng gạt bỏ lo ngại về rủi ro an ninh khi cho phép một công ty viễn thông liên quan đến Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc trong các căn cứ quân sự.
 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP



Các lực lượng vũ trang Philippines tuần trước ký biên bản ghi nhớ với Dito Telecommunity Corp, một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mới của nước này, để xây dựng và quản lý tháp thông tin liên lạc và những hạ tầng khác trong các doanh trại và cơ sở quân sự. Biên bản ghi nhớ được ký vào thời điểm ông Duterte đang đối mặt nhiều chỉ trích từ các đối thủ chính trị và báo chí Philippines về việc xích lại gần Trung Quốc, bao gồm các dự án khai thác năng lượng chung trên khu vực tranh chấp ở biển Đông.

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Telecom là cổ đông nước ngoài chính của Dito. Còn người điều hành Dito là Dennis Uy - người tài trợ cho nhóm vận động tranh cử tổng thống của ông Duterte năm 2016.

“Chúng tôi tin rằng sẽ không xảy ra vấn đề vi phạm an ninh vì các biện pháp bảo đảm sẽ được áp dụng theo đúng thủ tục an ninh”, Reuters dẫn lời ông Martin Andanar, Chủ nhiệm Văn phòng Báo chí tổng thống của ông Duterte, nói trong tuyên bố báo chí đưa ra hôm qua.

Ông Andanar nói rằng “những bận tâm, sợ hãi chủ yếu do hoang tưởng”, và thỏa thuận giữa quân đội với Dito đã được các chuyên gia công nghệ thông tin của chính phủ kiểm tra kỹ lưỡng.
Tranh cãi xung quanh thỏa thuận gia tăng trong mấy ngày qua khi có tin Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana không được thông báo trước về thỏa thuận và ông tuyên bố sẽ điều tra.

“Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy các chi tiết kỹ thuật chính xác xung quanh thỏa thuận trước khi nói bản chất nó thế nào. Nhưng thực tế là China Telecom vừa là cổ đông chính vừa là bên cung cấp công nghệ chính cũng đủ khiến nhiều người nhíu mày”, AP dẫn lời ông Richard Javad Heydarian, nhà phân tích chính trị người Philippines đang nghiên cứu tại ĐH Chengchi, Đài Loan.


Từ khi lên nắm quyền cách đây 3 năm, ông Duterte thực hiện chính sách “xoay trục” từ đồng minh Mỹ lâu năm sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Manila và Washington vẫn có một hiệp ước phòng thủ tương hỗ để tiến hành các chiến dịch tập trận chung, hợp tác trong những lĩnh vực như chống khủng bố. Mỹ đã giúp Philippines phá cuộc bao vây của lực lượng phiến quân Hồi giáo ở thành phố Marawi, miền nam đất nước, vào năm 2017.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong năm nay cảnh báo những rủi ro mà 2 hãng viễn thông Philippines PLDT và Globe Telecom phải đối mặt khi sử dụng công nghệ của hãng viễn thông Trung Quốc Huawei để phát triển mạng 5G. Ông Pompeo nói rằng việc này có thể ảnh hưởng đến an ninh của Philippines cũng như tác động đến quan hệ đồng minh của nước này với Mỹ.

Đối với người Philippines, việc Tổng thống Duterte ngả về Trung Quốc là một trong những điểm yếu của ông. Tuần trước, ông Duterte bị các đối thủ chỉ trích sau khi nói rằng ông sẵn sàng gác phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 để theo đuổi các dự án khai thác dầu khí chung với Trung Quốc trên biển Đông.

Phó Tổng thống Leni Robredo nói rằng, người dân Philippines đang lo ông Duterte sẽ “bán đứt” lợi ích biển cho Bắc Kinh, và thúc giục tổng thống phải có quan điểm cứng rắn để bảo vệ lợi ích của Philippines trên biển Đông.

Bình Giang (TPO)

Có thể bạn quan tâm