Không ít người đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khi biết tại Pleiku có một nhóm bạn trẻ đang tập hợp lại thành một cộng đồng, bao gồm những người trưởng thành và làm việc ở Pleiku, những người Pleiku xa quê hương đang quay trở lại nơi đây lập nghiệp và cả những ai chọn thành phố này làm quê hương thứ hai. Thành lập chỉ mới cách đây 3 tháng với slogan “Đi thật xa để trở về” nhưng nhóm cộng đồng Pleiku Returnees đã thu hút gần 800 thành viên với rất nhiều hoạt động sôi nổi, đầy hàm lượng tri thức và năng lượng tuổi trẻ.
Đến giờ, ký ức cộng đồng vẫn chưa quên làn sóng Covid-19 xô đẩy nhiều nhân lực làm việc ở các thành phố lớn về lại quê hương. Đó là một trong những lý do để trở về, tuy có chút thụ động của nhiều người trẻ Pleiku. Trong số này có không ít người năng lực và tâm huyết.
Thời điểm đó, Nguyễn Trung Hiếu-cựu học sinh Trường THPT Pleiku, người khởi xướng việc thành lập nhóm Pleiku Returnees-có thể làm việc từ xa trong vai trò quản lý marketing tại một công ty thuộc lĩnh vực công nghệ ở TP. Hồ Chí Minh, song Hiếu không tránh khỏi cảm giác buồn tẻ, “không biết ở đây có ai giống mình để trò chuyện?”. Hiếu bèn mở trang blog Roong-Pleiku life chia sẻ góc nhìn cá nhân về cuộc sống, sinh hoạt ở Pleiku và dần tìm được nhiều người đồng cảm (trong đó Roong là từ biến thể trong từ “nhà rông”, như một chỉ dấu cao nguyên).
Tình cờ sau đó, Hiếu có dịp gặp gỡ và kết nối với các thành viên của Pleiku English Club (Câu lạc bộ Tiếng Anh Pleiku), nơi mở ra môi trường giao tiếp, sử dụng tiếng Anh cho những ai có nhu cầu. Khi được gặp thêm một nhóm bạn trẻ làm công việc sáng tạo gồm marketing, kiến trúc tại Pleiku, Hiếu vui mừng nhận ra rằng thành phố này đang có một lớp trẻ đầy năng lượng với nhiều hoạt động thu hút.
“Tại sao không tập hợp lại cùng nhau để thành một cộng đồng lớn hơn, hoạt động hiệu quả hơn?”. Từ câu hỏi đó, ngày 15-6-2023, anh khởi xướng việc lập nhóm và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, có 18 câu lạc bộ và nhiều cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia vào cộng đồng Pleiku Returnees như: Pleiku English Club, Pleiku Book Club, Pleiku Mentors in Tech, Pleiku Art Curators, Roong Book… Các nhóm này đóng góp tâm huyết thông qua tổ chức nhiều hoạt động thú vị ở các lĩnh vực gồm kinh doanh, giải trí, văn hóa, thời trang, giáo dục.
Cũng làm công việc đầy tính năng động và tự do, Văn Thị Như Thùy-cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, hiện là trợ lý coaching (hỗ trợ khách hàng gặp gỡ chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tinh thần) là một trong những người có đóng góp nhiều nhất cho trang Pleiku Returnees. Tốt nghiệp ngành Tổ chức sự kiện tại Úc, đi về giữa Gia Lai-Đà Nẵng để làm việc, Thùy là người khởi xướng thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh Pleiku. Từ khi về chung “ngôi nhà” Pleiku Returnees, Thùy thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc monthly meetup (gặp gỡ hàng tháng). Đây là sự kiện định kỳ, nơi các thành viên gặp nhau và nói mọi thứ về Pleiku, góp phần đưa ra định hướng và hành động giúp thành phố trở nên đẹp hơn. Thùy cũng là người thường xuyên cập nhật những hoạt động hay, bổ ích tại Pleiku để nhiều người biết đến, tham gia.
Phương châm của nhóm là “From local to global” (từ vùng xa ra thế giới), trong đó “local” là những người tại địa phương, còn “global” là những người vừa trở về từ các thành phố lớn, có điều kiện tiếp cận nhiều với tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới.
Trò chuyện thêm với P.V, Nguyễn Trung Hiếu cho hay: Thông qua các tiểu mục “Có gì mới ở Pleiku”, “Ghi chép từ người Pleiku”, đến nay, Pleiku Returnees đã giới thiệu, viết bài tóm tắt gần 40 sự kiện thú vị, hầu hết đều do giới trẻ Pleiku tổ chức. Các chương trình được “điểm danh” gần đây nhất là Gia Lai Coffee Festival, triển lãm tranh “Những cô gái đỏng đảnh” của nữ họa sĩ Uyên Mai, chuyên đề về gốm thủ công… Cùng với đó là bài viết của các thành viên về kinh nghiệm du lịch Pleiku, cách làm podcast, an toàn số, mẹo sử dụng Chat GPT, cách nhận biết cuộc gọi rác, cách tạo thương hiệu cá nhân và nhận thức giá trị bản thân để “bán” đúng giá, phù hợp với công sức…
Đặc biệt, trên trang này có một “Opportunity Board” (bảng cơ hội) được Thùy cập nhật thường xuyên. Thùy cho hay, đây là thông tin về các cơ hội tập huấn ngắn hạn miễn phí ở nước ngoài (kể cả ăn ở, đi lại…), ví dụ khóa tình nguyện về bảo tồn rùa biển.
Đáng chú ý hơn cả là việc cập nhật thường xuyên về các hoạt động đang/sắp diễn ra hết sức thú vị của các nhóm thành viên như: giới thiệu sách; thảo luận về tư duy hệ thống; học hỏi về “giao tiếp trắc ẩn”; chia sẻ để hiểu về cái tôi; trò chuyện chủ đề “Ba kể con nghe” nhằm củng cố quan hệ cha mẹ-con cái. Các thành viên còn tự làm podcasts về những vấn đề đang rất được quan tâm như: nhân sự chất lượng cao ở tỉnh lẻ; bảo vệ môi trường...
Hiếu cho biết thêm về một sự kiện tâm điểm tới đây của nhóm thành viên chuyên về công nghệ với cái tên “Pleiku Mentors in Tech”. Đây là chương trình hướng dẫn 1 kèm 1 online, hoàn toàn miễn phí trong lĩnh vực công nghệ lần đầu tiên có ở Pleiku. Các mentors (người hướng dẫn) phần lớn là những người con Pleiku đang làm việc về công nghệ ở khắp nơi trên thế giới (Úc, Phần Lan, Canada, Việt Nam). Với sự kết nối từ những người quản trị trang Pleiku Returnees, đây là cách các mentors đóng góp cho quê hương thông qua việc hỗ trợ người trẻ Pleiku có niềm yêu thích với lĩnh vực công nghệ, giúp họ tự tin bước vào ngành khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo...
Chính từ hàm lượng tri thức mang lại cùng những giá trị sống đang được tạo dựng, Pleiku Returnees thu hút ngày càng đông đảo thành viên, trong đó có những người không trưởng thành từ Pleiku nhưng lại chọn thành phố này làm nơi sinh sống. Anh Đỗ Đại quê Nam Định, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội là một trong số đó. Đến Pleiku vì một cơ duyên, anh hiện là chủ quán cà phê và tiệm nướng Lalaland (đường Bùi Đình Túy).
Với anh, việc tham gia nhóm Pleiku Returnees mang đến một điểm tựa lớn về tinh thần. “Nhóm đã tập hợp, kết nối làm nổi bật lên những cá nhân lâu nay ẩn mình nhưng thật ra mỗi bạn có một năng lực, một màu sắc rất đặc biệt. Chúng ta nhìn thấy nhau và có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau, nhất là khi nhiều người đã có thương hiệu cá nhân nhất định. Điều lớn nhất tôi nhận được từ nhóm chính là cảm hứng về sự phát triển của thành phố”-anh Đại nêu quan điểm.
Anh cho biết thêm, tới đây, các thành viên trong nhóm sẽ có một talkshow dành cho những người làm nghề kiến trúc hoặc từng được đào tạo về lĩnh vực này xoay quanh chủ đề giá trị, tính ứng dụng của kiến trúc trong đời sống.
Từng cảm thấy có chút lạc lõng khi đến mua đất lập trang trại tại xã Ia Pếch (huyện Ia Grai) nhưng anh Qiu Hào đã trở nên đầy hứng khởi từ khi biết và gia nhập Pleiku Returnees. Hào có cha là người Hoa, mẹ người Việt, bản thân mang quốc tịch Đức do sinh ra và lớn lên ở nước này. Khoảng 9 năm trước, anh về Việt Nam giải quyết một vài việc kinh doanh của gia đình ở TP. Phú Quốc (Kiên Giang), sau đó nhận thấy môi trường thuận lợi, phù hợp nên ở lại đến nay.
Tháng 7-2023, anh mua được một khu đất hơn 7 ha ở xã Ia Pếch và đầu tư trang trại trồng sầu riêng, bơ... Với anh, khí hậu ở Pleiku rất lý tưởng so với nhiều vùng miền khác ở Việt Nam, không quá nóng cũng không quá lạnh. Hào nhận thức rất rõ: Muốn bước vào thị trường thì bước đầu tiên là kết nối. Khi trở thành thành viên của Pleiku Returnees, anh được gặp gỡ nhiều người đã từng làm việc tại các thành phố lớn và giờ quay về lại Pleiku, mang theo nhiều kinh nghiệm quý.
Thừa hưởng máu kinh doanh của người cha gốc Hoa, Hào chia sẻ dự định mở một nhà hàng mới mẻ ở Pleiku dành cho các gia đình. “Tôi quan niệm, thời gian có giá trị là thời gian bên gia đình. Đến nhà hàng không phải chỉ để ăn mà còn để tạo không khí kết nối. Vì vậy, trên mỗi bàn sẽ có 1 chiếc hộp, gia đình nào đồng ý bỏ hết điện thoại vào hộp và khóa lại đến cuối buổi thì sẽ được giảm giá 10%”-với vốn tiếng Việt rất sõi, Hào chia sẻ về một mô hình hấp dẫn.
Tuy còn khá mới mẻ, nhưng điều lớn nhất mà Pleiku Returnees làm được chính là tạo cảm hứng trở về, nhân lên những yêu thương và cống hiến cho vùng đất cao nguyên. Đúng như tinh thần trong bài thơ “Hành trình trở về” do 15 người trong một nhóm thành viên ứng tác ở một sự kiện mới đây: “Hãy trở về khi sẵn sàng/Tôi có một vùng đất yêu thương ở trong lòng/Vùng đất ấy đang bao dung và che chở cho tôi (…) Mỉm cười thật nhiều/Lắng nghe thật nhiều/Và trở về đây thật nhiều”.