Tin tức

Quan điểm chính sách của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tương lai Robert O'Brien

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/9 đã thông báo chọn ông Robert O'Brien làm Cố vấn An ninh Quốc gia mới. Vậy các chính sách đối ngoại của ông khác biệt thế nào đối với người tiền nhiệm 'diều hâu' John Bolton?

 

Kênh truyền hình RT của Nga đưa tin trước khi Tổng thống Trump tuyên bố bổ nhiệm ông Robert O’Brien ngày 18/9, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ là một nhân vật ít được biết đến bên ngoài khu vực Beltway. Hồi tháng 7, ông O’Brien đã đến Thụy Điển để đàm phán yêu cầu thả tự do cho nam rapper người Mỹ A$AP Rocky – bị cáo buộc tấn công người tại đây – theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ.

Mặc dù nỗ lực trên không đạt kết quả, ông Donald Trump vẫn nhận thấy điểm thích hợp để bổ nhiệm ông O’Brien thay thế cựu cố vấn Bolton. Nhà lãnh đạo Mỹ đã sa thải cố vấn Bolton tuần trước sau nhiều “bất đồng sâu sắc” liên quan đến lập trường của ông Bolton trong các cuộc khủng hoảng hiện nay.

Được biết, John Bolton đã cố gắng gợi ý Tổng thống Trump mở cuộc chiến tranh với Iran, Triều Tiên, Venezuela và Syria. Nhưng hiện nay, ông Robert O’Brien mới là người có thể khiến Tổng thống Trump lắng nghe ý kiến về vấn đề chiến tranh và hòa bình, liệu ông O’Brien có thể chứng minh về một sức ảnh hưởng khác biệt?


 

 Tổng thống Donald Trump và ông Robert C. O'Brien gặp mặt phóng viên tại Los Angeles. Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump và ông Robert C. O'Brien gặp mặt phóng viên tại Los Angeles. Ảnh: Reuters



Trong khi lập trường “ưa xung đột” của ông Bolton đã rõ ràng từ trước khi gia nhập Chính quyền Trump, quan điểm của ông O’Brien lại là một ẩn số. Tuy nhiên, cuốn sách “While America Slept: Restoring American Leadership to a World in Crisis” (tạm dịch: Khi Mỹ ngủ yên: Khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ với một thế giới khủng hoảng) xuất bản năm 2016 có thể phơi bày một số triết lý của ông.

Nước Mỹ trên hết?

John O’Brien không phải người chuộng hòa bình. Trong cuốn sách của mình, ông mở đầu bằng cách chỉ trích Chính quyền Tổng thống Barack Obama về những chính sách cắt giảm quân sự và sự nhún nhường trên trường quốc tế, cáo buộc cựu Tổng thống Mỹ khuyến khích “những kẻ chuyên quyền, bạo chúa và khủng bố”.

Yêu cầu tăng chi tiêu quân sự và xây dựng lực lượng hải quân “thống trị con sóng”, ông O’Brien đã đặt mục tiêu về một nước Mỹ dẫn đầu các liên quân quốc tế.

Những vướng mắc liên quan đến các nước đồng minh trong chiếc ô an ninh của Mỹ chính là một trong những điểm mấu chốt trong câu khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump. Tổng thống đã đặt câu hỏi về giá trị của các liên minh như Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời yêu cầu các đồng minh của Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để được bảo vệ. Chủ nghĩa biệt lập của ông Trump đã đặt ông vào thế bất hòa với các quan chức cấp cao như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Chưa rõ, ông Robert O’Brien sẽ tiết chế lập trường của mình thế nào để phù hợp với ông Trump.

Trung Quốc


 

 Tàu hải quân Mỹ và Nhật Bản tuần tra Biển Đông năm 2018. Ảnh: Reuters
Tàu hải quân Mỹ và Nhật Bản tuần tra Biển Đông năm 2018. Ảnh: Reuters


Cố vấn An ninh Quốc gia mới của Nhà Trắng tỏ ra chú trọng đến sự gia tăng quyền lực toàn cầu của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo sự bành trướng trên biển của cường quốc châu Á này như một mối hiểm họa. Về sức mạnh hải quân lớn mạnh của Trung Quốc, ông cho rằng nên bị ngăn chặn bằng lực lượng Hải quân Mỹ lớn mạnh hơn.

Quan điểm này của ông đối với Bắc Kinh sẽ phù hợp với Chính quyền Trump hiện nay. Từ cuộc chiến tranh thương mại đến việc Lầu Năm Góc gọi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”, chính quyền hiện nay đã thúc đẩy một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc so với người tiền nhiệm.

Iran

Ông O’Brien đã được bổ nhiệm chưa đầy nửa tiếng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố về vòng trừng phạt mới vào Iran, nhằm đáp trả lại vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu trọng yếu ở Saudi Arabia cuối tuần qua.

Mặc dù, cựu cố vấn Bolton đã đề nghị ông Trump triển khai hành động quân sự đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, song nhà lãnh đạo Mỹ vẫn giữ được chính sách kiềm chế hơn.

Thế nhưng, dưới thời Tổng thống Obama, O’Brien cũng từng đề xuất một đường lối cứng rắn đối với Tehran. Ông so sánh việc Chính quyền Obama ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với chính sách nhân nhượng của Đức Quốc xã trước Thế chiến 2.

Nga

Cuốn sách của ông Robert O’Brien viết năm 2016, trước khi diễn ra vụ điều tra “Russiagate” về nghi vấn Tổng thống Trump có quan hệ với nước Nga và gây tác động đến nền chính trị Mỹ. Do đó, ông không viết nhiều về vai trò của Moskva trong các vấn đề thế giới. Tuy nhiên, O’Brien đã dành một chương để khen ngợi những nhà hoạt động ủng hộ phương Tây tại Ukraine.

Cho dù Mỹ đã can thiệp vào Afghanistan 18 năm nay, ông O’Brien bước vào Chính quyền Trump tại một thời điểm quan trọng. Muốn rút binh sĩ hoàn toàn khỏi đất nước Nam Á này, ông Trump gần đây đã bí mật sắp xếp một cuộc họp tại Trại David với các thủ lĩnh Taliban, trước khi đột ngột hủy bỏ liên quan đến vụ đánh bom của Taliban ở Kabul, khiến một lính Mỹ thiệt mạng.

Bị lên án vì mời phiến quân Taliban đến đất Mỹ, ông chủ Nhà Trắng sau đó đã khẳng định rằng Taliban chưa bao giờ bị tấn công mạnh hơn lúc này. Tuy nhiên, với việc nhóm phiến quân này đang kiểm soát nhiều lãnh thổ nhất kể từ năm 2001, đạt được thỏa thuận với Taliban sẽ là điều cần thiết để đảm bảo kế hoạch rút quân được suôn sẻ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tương lai O’Brien đã có kinh nghiệm làm việc vài năm tại Afghanistan, song ông sẽ cần thêm thời gian để tìm ra tiếng nói chung đi đến một thỏa thuận giữa Taliban và giới lập pháp Mỹ.

Triều Tiên

Mặc dù được viết năm 2016 trước khi xuất hiện những đe dọa “lửa cháy và thịnh nộ” của Chính quyền Trump cũng như diễn biến ông Trump ngồi vào bàn đàm phán với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, cuốn sách của ông O’Brien vẫn thể hiện lập trường cứng rắn đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Ông đề nghị Washington khẳng định rõ với Triều Tiên rằng “nước này nằm trong tầm bắn của tên lửa Hải quân Mỹ”.

Vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên không được nhắc đến, ngay cả khi nói về Iran, ông O’Brien khẳng định việc Nam Phi và Libya hoàn tất từ bỏ tiềm lực hạt nhân là mục tiêu duy nhất mà Mỹ theo đuổi.

Bổ nhiệm ông O’Brien, Tổng thống Trump dường như đã đưa ra một lựa chọn “an toàn hơn” so với cựu cố vấn John Bolton. Phần lớn sự nghiệp của nhân tố mới này diễn ra trong các phòng họp kín ở Washington, D.C, và tránh xa ống kính báo chí, khác với ông Bolton – nguyên là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm