Tin tức

Quan hệ Mỹ - Trung lại nóng vì Huawei

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bắc Kinh sẵn sàng đưa các công ty Mỹ vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy" để trả đũa Washington.
Bắc Kinh ngày 16-5 đã thúc giục Washington chấm dứt hành động "trấn áp vô lý" nhằm vào Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei và các công ty Trung Quốc khác sau khi nhà chức trách Mỹ công bố những biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế Huawei tiếp cận công nghệ chất bán dẫn.
"Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết ủng hộ tính hợp pháp, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, đồng thời cáo buộc các hành động của chính quyền Tổng thống Mỹ "hủy hoại nền sản xuất, chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu".
Phản ứng trên được đưa ra một ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ ban hành quy định mới nhằm hạn chế Huawei mua các chất bán dẫn vốn là sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm của Mỹ. Theo Reuters, quy định này đòi hỏi việc bán chip sản xuất ở nước ngoài bằng công nghệ Mỹ cho Huawei phải được Washington cho phép. Một động thái như thế sẽ khiến Huawei, hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, không thể làm ăn với hãng chip TSMC của Đài Loan. TSMC hiện là một trong những nhà cung cấp chính của Huawei, đồng thời sản xuất chip cho các công ty công nghệ, như Apple (của Mỹ).
Một cửa hàng của Huawei tại TP Thượng Hải - Trung Quốc Ảnh: Reuters
Một cửa hàng của Huawei tại TP Thượng Hải - Trung Quốc Ảnh: Reuters
Vào năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào "danh sách đen" do nỗi lo an ninh quốc gia, xuất phát từ cáo buộc công ty này có thể do thám khách hàng và từng vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran. Điều này đồng nghĩa Huawei bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của Washington. Dù vậy, giới chức Mỹ cáo buộc Huawei tìm cách tránh né biện pháp trừng phạt này bằng cách mua bộ phận và linh kiện được sản xuất dựa trên công nghệ Mỹ khắp thế giới.
Diễn biến nêu trên đánh dấu sự leo thang mới nhất trong trận chiến giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm thống trị lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Giới chức Mỹ thường xuyên cáo buộc Huawei đánh cắp bí mật thương mại nước này và hỗ trợ nỗ lực do thám của Bắc Kinh.
Đáp lại, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên và cảnh báo sẽ có hành động trả đũa Mỹ. Tờ Global Times hôm 15-5 cho biết Bắc Kinh sẵn sàng đưa các công ty Mỹ vào cái gọi là "danh sách thực thể không đáng tin cậy" như là một phần các biện pháp đáp trả Washington. Các biện pháp khác là tiến hành điều tra và áp đặt hạn chế đối với các công ty Mỹ tên tuổi như Apple Inc, Cisco Systems Inc, Qualcomm Inc… và ngưng mua máy bay của hãng Boeing Co.
Tranh cãi mới liên quan đến Huawei đe dọa khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm lao dốc. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đang "đấu khẩu" gay gắt liên quan đến nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19, đe dọa đến số phận thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết hồi tháng 1-2020.
Trả lời phỏng vấn đài Fox News hôm 14-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ thất vọng khi Trung Quốc "không khống chế" được dịch Covid-19 và nhận định điều này đã phủ bóng lên thỏa thuận thương mại nêu trên. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn cho rằng ông có thể cắt đứt quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Phản ứng trước lời đe dọa này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15-5 nhấn mạnh quan hệ song phương vững chắc giữa Bắc Kinh và Washington có lợi cho người dân hai nước. Theo quan chức này, hai nước nên hợp tác nhiều hơn trong nỗ lực đối phó dịch Covid-19, điều trị bệnh nhân và nối lại hoạt động kinh tế. 
 
Mỹ - Nhật sẽ đối thoại về an ninh kinh tế
Nhật Bản và Mỹ sẽ tiến hành đối thoại về an ninh kinh tế, tập trung thảo luận những vấn đề như mạng di động 5G và việc xuất khẩu công nghệ dân sự có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Theo báo Yomiuri (Nhật Bản) ngày 16-5, cuộc đối thoại đầu tiên loại này có thể diễn ra vào cuối năm nay, dự kiến có sự tham gia của đại diện Ban Thư ký Nội các Nhật Bản, Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Thương mại của Mỹ.
Mỹ đang thuyết phục các đồng minh nói không với Huawei khi phát triển mạng di động 5G do lo ngại thiết bị của công ty này có thể bị sử dụng cho mục đích do thám. Trong khi đó, các cơ quan chính phủ Nhật Bản đã bị cấm mua thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE Corp - một công ty khác của Trung Quốc, do nỗi lo về nguy cơ rò rỉ thông tin tình báo và tấn công mạng. Ba tập đoàn viễn thông hàng đầu Nhật Bản cũng có bước đi tương tự.
Theo Hoàng Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm