Xã hội

Gia đình

Quan tâm hỗ trợ người khuyết tật ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 20.000 người khuyết tật, trong số đó có 13.000 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng cần sự quan tâm trợ giúp của toàn xã hội.
Theo bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống người khuyết tật luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 13.000 người khuyết tật đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Người khuyết tật là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Hàng năm, người khuyết tật đều được khám bệnh định kỳ và cấp phát thuốc miễn phí. Các ngành chức năng cũng mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng phát hiện và can thiệp sớm các dạng khuyết tật thường gặp ở trẻ em tại cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được quan tâm thực hiện, qua đó giúp người khuyết tật có kỹ năng tự chăm sóc bản thân trong sinh hoạt hàng ngày, tiến tới hòa nhập xã hội.
Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật. Ảnh: Đ.Y
“Hoạt động trợ giúp người khuyết tật của tỉnh ta đã giúp đối tượng này nâng cao nhận thức và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, người khuyết tật được trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 136 của Chính phủ; hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình hệ vận động, sứt môi, hở hàm ếch, làm dụng cụ chỉnh hình tay chân giả, cấp xe lăn, xe lắc miễn phí..., giúp họ thêm tự tin, vươn lên trong lao động sản xuất, kinh doanh, hòa nhập cộng đồng”-bà Duyên chia sẻ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các hội, cơ sở chăm sóc và hỗ trợ người khuyết tật gồm: Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Hội Người mù tỉnh, cơ sở nuôi trẻ khuyết tật tại làng Ngol (phường Trà Bá, TP. Pleiku), cơ sở nuôi người tâm thần của ông Hà Tư Phước (xã Chư Hdrông, TP. Pleiku). Những năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị, cơ sở và những tấm lòng hảo tâm tặng hàng ngàn suất quà nhân dịp lễ, Tết; đặc biệt, có 200 người khuyết tật được làm dụng cụ chỉnh hình, tay chân giả miễn phí.
Khi vừa ra đời, em Rah Lan Veo (7 tuổi, xã Ia Phí, huyện Chư Pah) đã không được may mắn như các bạn cùng trang lứa do bị khuyết tật nghe, nói và dị tật hở môi. Vậy nhưng đến nay Veo đã có thể cười, bày tỏ niềm vui với các bạn cùng lớp. Anh Puih Yao-bố cháu Veo-chia sẻ: “Cuộc sống càng khó khăn hơn khi vợ mình bị bệnh nặng và qua đời, để lại 4 cha con, trong đó có Veo bị dị tật bẩm sinh. Ba năm nay, mình phải gửi Veo ở với bà ngoại để đi làm thuê kiếm sống. Làm quanh năm nhưng không đủ ăn”. Năm 2018, theo chương trình của Quỹ Bảo trợ trẻ em, cháu Veo được phẫu thuật chỉnh hình miễn phí. Giờ đây, cháu đã có thể vui cười và được đi học cùng các bạn. Không chỉ vậy, những năm qua, gia đình còn được Nhà nước trợ cấp hàng tháng nên cũng vơi bớt phần nào những khó khăn.
Một trường hợp khác cũng được hỗ trợ kịp thời là anh Rơ Mah Thơm (32 tuổi, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Năm 6 tuổi, anh bị đau mắt đỏ nhưng không được chữa trị kịp thời nên mù cả 2 mắt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh Thơm không được đi học mà chỉ quanh quẩn ở nhà. Nhờ sự quan tâm của ngành chức năng và chính quyền địa phương, năm 2006, anh được Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh đón về chăm sóc, đồng thời được tham gia lớp học nghề dành cho người khuyết tật. Anh Thơm tâm sự: “Mắt bị mù, không còn ai chăm sóc, nuôi dưỡng, tôi không biết phải làm gì để lo cho cuộc sống của mình. Từ khi được đón về Trung tâm, được Hội Người mù cho đi học nghề bấm huyệt cổ truyền và tạo việc làm, giờ tôi đã có thể tự làm việc để nuôi sống bản thân”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách vẫn còn một số bất cập. Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho hay: Gia Lai là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế-xã hội, giao thong đi lại khó khăn, số đối tượng khuyết tật nhiều. Hơn nữa, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh thường tập trung ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa nên đời sống rất bấp bênh. “Thời gian tới, công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được chính quyền các cấp quan tâm. Cụ thể, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận với giáo dục, xây dựng mô hình giáo dục hòa nhập, học văn hóa kết hợp với phục hồi chức năng; hỗ trợ học nghề và tạo việc làm. Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực về phục hồi chức năng cho người khuyết tật, triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng được tăng cường để hướng tới xã hội hòa nhập. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước hỗ trợ kinh phí giúp người khuyết tật. Xây dựng khu nuôi dưỡng người tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh để đưa đối tượng người tâm thần vào quản lý, nuôi dưỡng”-bà Rcom Sa Duyên cho biết thêm.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm