Thời sự - Bình luận

Quan trọng là thực thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dù còn những ý kiến khác nhau, song đều trông đợi tạo ra chuyển biến căn bản, góp phần quan trọng giải quyết vấn nạn mất an toàn giao thông ở nước ta.

 

Dự án luật này không phải để thay thế hoàn toàn cho Luật Giao thông đường bộ hiện hành mà nó được xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ vốn có hiệu lực từ năm 2008.

Theo cơ quan soạn thảo, dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Đúng là trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông, đang là vấn đề bức xúc, cần có giải pháp cấp bách nhưng đồng thời phải góp phần giải quyết căn cơ, bền vững.

Luật Giao thông đường bộ sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống cần có sự điều chỉnh, bổ sung,… nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh, mạnh của lĩnh vực giao thông đường bộ hơn một thập kỷ qua. Trong đó, dù nước ta đã đầu tư một nguồn ngân sách rất đáng kể, tới hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm, để phát triển, hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ, song tai nạn giao thông vẫn là một vấn đề nhức nhối. Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, cả nước xảy ra trên 334.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 101.000 người (trung bình gần 10.000 người chết mỗi năm).

Đáng chú ý, nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông đường bộ không phải do cơ sở hạ tầng mà do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chiếm tới trên 90% số vụ.

Thế nên, rất cần có một sự bổ sung, cập nhật chất lượng, hiệu quả những quy định, chế tài nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là giải quyết vấn nạn tai nạn giao thông. Việc cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an hay Bộ Giao thông Vận tải dù là một vấn đề có những ý kiến khác nhau, song không quan trọng bằng làm thế nào để giải quyết các vấn đề lớn đang đặt ra trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay. Cơ quan nào soạn thảo rõ ràng không quan trọng bằng việc làm sao luật mới ra đời thực sự đi vào cuộc sống, cải thiện căn bản trật tự, an toàn giao thông ở nước ta.

Muốn thế, những quy định, chế tài mới sao cho hiệu quả và khả thi là rất quan trọng. Và quan trọng không kém là thực thi trong thực tế. Ví như, đề xuất không dừng xe quá 5 phút trong dự thảo luật đã gây băn khoăn là làm thế nào để xác định xe vi phạm đã dừng đỗ quá thời gian này. Song, quan trọng nhất vẫn là bảo đảm luật thực sự phát huy hiệu quả, hiệu lực trong cuộc sống khi mà thực tế thời gian qua cho thấy sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là tiêu cực, nhũng nhiễu của lực lượng chấp pháp trong lĩnh vực giao thông đường bộ vẫn xảy ra.

Luật nghiêm minh nhưng rất cần đi liền với đó là đội ngũ thực thi công vụ trách nhiệm, liêm chính.

 

Theo PHẠM DƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm