Tin tức

Quốc hội Hy Lạp thông qua gói biện pháp khắc khổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những người biểu tình xung đột với cảnh sát trước tòa nhà Quốc hội ở Athens.
Những người biểu tình xung đột với cảnh sát trước tòa nhà Quốc hội ở Athens.
Với 153 phiếu thuận, Quốc hội 300 ghế của Hy Lạp ngày 20-10 đã thông qua lần cuối các chi tiết của kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" mới, điều kiện cốt lõi để đổi lấy các gói cứu trợ tài chính tiếp theo của quốc tế và để tránh bị vỡ nợ công.

Theo kế hoạch siết chặt tài chính vừa được thông qua, Chính phủ Hy Lạp sẽ thực hiện gói biện pháp khắc khổ cắt giảm lương, lương hưu và tăng thuế để tiết kiệm chi tiêu ngân sách quốc gia.

Cuộc bỏ phiếu này của Quốc hội Hy Lạp diễn ra trong bối cảnh hàng trăm nghìn người lao động tham gia cuộc tổng đình công 48 giờ kể từ sáng 19/10 để phản đối kế hoạch kinh tế khắc khổ do chính phủ đề xuất. Ngày 20-10, khoảng 70.000 người đã tập trung biểu tình trước trụ sở Quốc hội ở thủ đô Athens giữa lúc đang diễn ra cuộc bỏ phiếu về đạo luật gây tranh cãi nói trên. Đám đông biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội đã ném bom xăng và gạch đá vào cảnh sát.

Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra làm ít nhất 74 người bị thương. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình quá khích. Đây là hành động phản kháng lớn nhất của người dân Hy Lạp trong những năm gần đây nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ cắt giảm tiền lương và lương hưu - một phần trong gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm đổi lấy gói cứu trợ vỡ nợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Bình luận sau khi kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" được Quốc hội Hy Lạp thông qua, một số nhà phân tích cho rằng bước đi này của Hy Lạp có thể mở đường cho việc giải ngân khoản cứu trợ thứ sáu trị gía 8 tỷ euro trong gói cứu trợ tài chính trị giá 110 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm tránh cho nước này khỏi nguy cơ phá sản vào tháng 11 tới, kéo theo những hệ luỵ nghiêm trọng đối với châu Âu và cả thế giới.

Trong diễn biến liên quan, nhiều nhà quan sát lo ngại những bất đồng sâu sắc giữa hai nền kinh tế trụ cột của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Đức và Pháp xung quanh việc tăng quy mô Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) có thể ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân cho Hy Lạp.

Các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nền kinh tế đầu tàu của Eurozone này là Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merken sẽ gặp nhau vào ngày 22-10- để tìm kiếm sự đồng thuận xung quanh kế hoạch giải cứu Hy Lạp ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến khai mạc vào ngày 23-10.

Chính vì những lý do trên, dư luận cho rằng nhiều khả năng Hội nghị thượng đỉnh của EU có thể chưa đưa ra được những quyết định quan trọng, hay nói cách khác là các "liều thuốc cấp cứu" cho cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.

Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandréou cũng bày tỏ lo ngại về khả năng Hội nghị thượng đỉnh EU lần này không đưa ra được những quyết định kịp thời cho cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, và kêu gọi các nhà lãnh đạo EU có những giải pháp kiên quyết nhằm giúp ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp và sự lây lan khủng hoảng nợ công trong Eurozone.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm