Xã hội

Gia đình

Quyết định cuối đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một số gia đình chưa đồng thuận về việc lo hậu sự cho ông bà, cha mẹ khi sắp đến ngày lâm chung. Nhà thì tính mua một lô đất trong khu nghĩa trang rồi đưa ông bà vào chôn cất, ngày cúng giỗ còn được đến viếng. Nhà thì muốn hỏa táng rồi gửi hũ xương tàn vào Nhà hài cốt, sớm tối được nghe lời kinh. Có người  nói vui với con: “Chôn ở dưới đất thì lạnh, hỏa thiêu thì lại nóng, thôi để ba hiến thân xác này cho khoa học”. Thực ra, ý định này không còn là chuyện hiếm.

Người xưa có câu “sinh ký, tử quy” (sống gửi, thác về), ý nói cuộc sống trần thế chỉ là cõi tạm, sau cái chết mới là cuộc sống vĩnh hằng, thế nên ông bà ta thường nói: “Sống là nhà, chết là mồ”.

 

Cho đi là nhận lại. Ảnh: K.N.B

Ngôi mộ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Dân gian cho rằng các cụ có “mồ yên mả đẹp” thì con cháu mới “ăn nên làm ra”. Mộ bị “động” chắc gia chủ sẽ có chuyện. Gặp sự may mắn lớn là do được “mả táng hàm rồng”. Nhắc đến lòng căm thù là nhắc đến nỗi đau bị “giặc ngoại xâm giày xéo mồ mả cha ông”. Nguyền rủa ai đó thì “đào mồ cuốc mả” nhà người ta lên. Chuyện bất bình vượt quá sức tưởng tượng thì người đã chết cũng phải “dựng mồ sống dậy”. Tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ thì cúi đầu đặt hoa trên bia mộ, tưởng nhớ thì thắp một nén hương trước mộ.

Thân xác con người rất quý giá. Tùy điều kiện sống, tôn giáo, văn hóa, tùy hoàn cảnh kinh tế mà người ta an táng thân nhân ở khu mộ của dòng họ, chôn cất trong nghĩa trang, đến đài hóa thân hoàn vũ để hỏa thiêu rồi gửi tro cốt vào nơi tôn nghiêm hoặc rải thân xác đã “trở về bụi tro” xuống sông xuống biển...

Do đó, việc thuyết phục gia đình đồng thuận thực hiện ước nguyện hiến xác sau khi mất quả là khó! Thế nhưng từ năm 1993 đến tháng 1-2015, bộ môn giải phẫu Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã nhận được 23.650 đơn tình nguyện hiến xác, 635 thi thể, đã và đang sử dụng cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học 503 thi thể. Bằng cách hiến xác, họ đã “sống” thêm, cống hiến thêm cho cuộc đời bằng chính thân xác mình, dạy cho các sinh viên trường Y nhiều điều, không chỉ những kiến thức y khoa mà còn lòng quảng đại, sự hiến thân cho những điều tốt đẹp. Cái chết vì thế không còn đáng sợ nữa, mà vẫn đầy ý nghĩa.

Sinh viên Triệu Ngọc Diệp-Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên y khoa chúng tôi đã được học với những “người thầy thầm lặng”-những người đã tình nguyện dâng hiến thân xác mình để phục vụ khoa học. Chúng tôi luôn trân trọng, kính cẩn, nhẹ nhàng khi tiếp xúc với “dụng cụ học tập” đặc biệt này. Dù lạnh lùng, chai đá đến đâu, những buổi học với những “người thầy thầm lặng” luôn mang lại một cảm giác đặc biệt, hào hứng mà bùi ngùi, cảm động… Đã hai lần tôi tham gia ngày lễ Macchabée (lễ tri ân những người hiến thân xác cho khoa học), trong đó có lần tôi trực tiếp trang điểm dung nhan, thân xác cho họ. Tôi ghi lại hình ảnh những thân xác đã được “làm đẹp” với vòng cổ hoa lài, thân đắp drap trắng cùng hoa hồng rải quanh người... Họ phải đẹp vì đó là sự trân trọng…”.

 

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác. Theo đó, người hiến bộ phận cơ thể người được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, người đã hiến bộ phận cơ thể người được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp người bệnh ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, không thể đi về trong ngày (không bao gồm trường hợp người bệnh phải nhập viện được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo theo quy định): 450.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 2 ngày. Ngoài ra, người hiến bộ phận cơ thể được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 3 ngày/lần khám định kỳ (200.000 đồng/ngày)…

Người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác thì thân nhân của người hiến được hỗ trợ kinh phí để tổ chức tang lễ và mai táng di hài bằng 10 lần mức lương cơ sở.

Hiến tặng là một nghĩa cử cao đẹp, đặc biệt là hiến tặng chính một phần sự sống của mình để cứu sống những người không hề quen biết bằng cách hiến máu nhân đạo; hiến tạng, hiến mô ngay khi vừa trút hơi thở cuối cùng... Có người không chỉ hiến một lần mà nhiều lần, không phải hiến một mình mà còn vận động cả gia đình, dòng họ. Mỗi lần vô “thăm”, gia quyến có cảm giác thân nhân mình vẫn còn đây, đang “làm việc” trong giảng đường Y khoa.

Nếu có ý định hiến tặng, hãy liên lạc số điện thoại bộ môn Giải phẫu của Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (0903783412). Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh cũng có tiếp nhận hiến tạng, liên lạc qua E-mail: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com. Điện thoại bàn: 0839560139.

Th.s-BS Nguyễn Lan Hải

Có thể bạn quan tâm