Tin tức

Rạn nứt với Philippines, Mỹ gặp khó trong khu vực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỹ cảnh báo việc Philippines hủy Hiệp ước Các lực lượng thăm viếng (VFA) sẽ gây ra nhiều thách thức cho hoạt động giữa hai nước trong tương lai.
Phát biểu tại TP Sydney trong chuyến thăm Úc hôm 13-2, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương, bày tỏ hy vọng Bộ Ngoại giao Mỹ có thể đàm phán duy trì VFA trong vòng 180 ngày - khoảng thời gian mà Manila đưa ra để chấm dứt VFA.
Theo AP, ông Davidson cho biết Mỹ không có thỏa thuận tương tự nào như VFA với tất cả các nước trong khu vực. Đô đốc Davidson nhấn mạnh: "Không có VFA đồng nghĩa với việc Mỹ khó lòng hỗ trợ Philippines trong cuộc chiến chống bạo lực cực đoan ở miền Nam. Các hoạt động huấn luyện và tác chiến với các lực lượng vũ trang Philippines cũng gặp trở ngại".
Hai máy bay Osprey diễn tập trong cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines ở tỉnh Zambales - Philippines hồi tháng 4 năm ngoái Ảnh: REUTERS
Hai máy bay Osprey diễn tập trong cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines ở tỉnh Zambales - Philippines hồi tháng 4 năm ngoái Ảnh: REUTERS
Trái ngược với phản ứng của ông Davidson, Tổng thống Donald Trump trước đó cho hay ông cảm thấy "ổn" khi người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố chấm dứt VFA, vì điều đó sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được "rất nhiều tiền".
Ngay tại Manila, một số thượng nghị sĩ Philippines vội vàng tìm cách ngăn chặn động thái của chính phủ ông Duterte khi cho rằng nhà lãnh đạo này không có quyền đơn phương hủy các hiệp ước quốc tế đã được Thượng viện Philippines phê chuẩn.
Theo Reuters, quyết định của ông Duterte có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cũng tại Sydney, Đô đốc Davidson cảnh báo Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền các đảo quốc Thái Bình Dương và làm tổn hại sự ổn định của khu vực.
Ông Davidson cho hay Mỹ "dốc toàn lực" để đối trọng Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Kinh theo đuổi các tuyên bố chủ quyền phi lý, chính sách ngoại giao bẫy nợ, vi phạm những thỏa thuận quốc tế, đánh cắp tài sản trí tuệ quốc tế, đe dọa quân sự và tham nhũng.
Theo Xuân Mai (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm