Tin tức

Rơi máy bay ở Ethiopia: Thoát chết vì tới trễ 2 phút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một người đàn ông Hy Lạp may mắn thoát chết sau khi tới trễ 2 phút và không được lên chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Ethiopian Airlines.

Truyền thông Hy Lạp hôm 11-3 cho biết người đàn ông may mắn nói trên là Antonis Mavropoulos, chủ tịch Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận.

Ông Mavropoulos nói với kênh truyền hình Alpha rằng ông định lên chuyến bay số hiệu ET 302 tới Nairobi – Kenya nhưng cổng khởi hành bị đóng 2 phút trước khi ông có mặt.

Người đàn ông đành đứng sau bức tường kính nhìn những hành khách khác lên máy bay. Nếu lên chiếc Boeing 737 Max 8 như lịch trình, ông Mavropoulos sẽ là hành khách thứ 150.

Lúc chuẩn bị lên một chiếc máy bay khác thì nhân viên sân bay thông báo chiếc Boeing 737 Max 8 mà ông Mavropoulos lỡ chuyến đã mất tích. "Tôi bị sốc khi được thông báo về thảm kịch" – ông Mavropoulos kể lại.

 

Ông Mavropoulos. Ảnh: Facebook
Ông Mavropoulos. Ảnh: Facebook
 Vé máy bay của ông Mavropoulos. Ảnh: Facebook
Vé máy bay của ông Mavropoulos. Ảnh: Facebook




Trong một bài đăng trên Facebook có tên "Ngày may mắn của tôi", đi kèm là một bức ảnh chụp vé máy bay của mình, ông Mavropoulos viết: "Tôi đã phát điên vì không ai giúp tôi đến cổng đúng giờ".

"Đây là một trong những khoảnh khắc làm thay đổi quan điểm sống của một người. Bạn nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta đang bị treo lơ lửng... Tôi chỉ muốn gửi thật nhiều nụ hôn cho vợ, mẹ và con gái mình" – người đàn ông cho biết thêm.

Theo hãng tin ANA, ông Mavropoulos định tới Nairobi để tham dự một hội nghị của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Chiếc Boeing 737 Max 8 bị rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào sáng sớm 10-3 (giờ địa phương), giết chết toàn bộ 157 người trên khoang.


 

 Hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines. Ảnh: AP
Hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines. Ảnh: AP


Hành khách trên máy bay đến từ hơn 30 quốc gia, trong đó có 32 người Kenya, 18 người Canada, 9 người Ethiopia, 8 người Trung Quốc, 8 người Ý, 8 người Mỹ, 7 người Pháp, 7 người Anh, 6 người Ai Cập, 5 người Đức, 4 người Ấn Độ, 4 người Slovakia, 3 người Áo, 3 người Nga, 3 người Thụy Điển, 2 người Israel, 2 người Morocco, 2 người Ba Lan, 2 người Tây Ban Nha, 1 người Bỉ, 1 người Djibouti, 1 người Indonesia, 1 người Ireland, 1 người Mozambique, 1 người Nepal, 1 người Nigeria, 1 người Na Uy, 1 người Rwanda, 1 người Ả Rập Saudi, 1 người Serbia, 1 người Somalia, 1 người Sudan, 1 người Togo, 1 người Uganda và 1 người Yemen.

Người đứng đầu Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Antonio Vitorino, xác nhận 19 nhân viên của LHQ cũng nằm trong số các nạn nhân. Họ làm việc cho các tổ chức và tổ chức liên kết với LHQ, bao gồm IOM, Chương trình Lương thực Thế giới, Cơ quan Tị nạn LHQ, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Môi trường LHQ.

Phạm Nghĩa (Theo Tân Hoa Xã, AP, nld)

Có thể bạn quan tâm