Vụ sạt lở tại một mỏ khai thác ngọc bích ở miền bắc Myanmar khiến ít nhất 113 người chết, 200 người bị chôn vùi.
|
Khu vực Hpakant, bang Kachin, miền bắc Myanmar thường xuyên xảy ra tai nạn lao động ở các mỏ do quản lý kém - Ảnh: Reuters |
Hàng trăm công nhân khai thác mỏ đá quý ở khu vực Hpakant, bang Kachin, miền bắc Myanmar đã bị chôn vùi khoảng 6h30 sáng 2-7.
Thảm họa trong mưa
Theo sở cứu hỏa, nguyên nhân được cho do mưa lớn gây ra lở đất. "Tổng cộng đã có 113 người chết. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực cứu hộ", Sở cứu hỏa thông tin.
Cảnh sát địa phương nói với AFP rằng các công nhân dường như đã bất chấp cảnh báo không khai thác mỏ trong khi trời mưa.
Lực lượng cứu hộ đã làm việc cả sáng nay để trục vớt xác từ một hồ đầy bùn, dùng lốp xe làm bè để kéo xác lên bờ. Nhưng công tác cứu hộ đang gặp khó khăn vì mưa ngày càng nặng hạt.
Cảnh sát cho biết số người chết còn có thể cao hơn nếu nhà chức trách không cảnh báo người dân tránh xa các mỏ đã khai thác.
Sạt lở đất gây chết người khá phổ biến tại các mỏ đá quý ở Hpakant - nơi được cho là quản lý kém, theo Reuters. Cũng tại khu vực này, một vụ lở đất đã cướp đi sinh mạng của 116 người vào năm 2015.
Những công nhân khai thác đá quý ở đây thường đến từ các cộng đồng dân tộc nghèo khó, những người đi mót phế liệu do các công ty lớn bỏ lại.
Nhu cầu của Trung Quốc
Myanmar là một trong những nguồn đá cẩm thạch chính của thế giới và ngành công nghiệp khai thác đá tại nước này chủ yếu được thúc đẩy do nhu cầu rất lớn từ Trung Quốc.
Tổ chức Global Witness (tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận quốc tế với mục tiêu chống lại tình trạng bóc lột tài nguyên thiên nhiên) ước tính ngành công nghiệp khai thác đá quý ở Myanmar trị giá khoảng 31 tỉ USD trong năm 2014, mặc dù có rất ít tiền trong số này chảy vào kho bạc nhà nước.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của miền Bắc Myanmar - bao gồm ngọc, gỗ, vàng và hổ phách, đã tài trợ cho cả hai phe trong cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa lực lượng nổi dậy Kachin và quân đội chính phủ.
Cuộc chiến kiểm soát mỏ và doanh thu mà mỏ mang lại thường xuyên kết thúc bằng thiệt hại cho dân thường.
Theo AFP, ngành công nghiệp khai thác ngọc bích ở Myanmar tuy sinh lợi nhưng quản lý kém, sử dụng lao động nhập cư được trả lương thấp để khai thác loại ngọc bích rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.
|
|
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ sạt lở mỏ ngọc bích - Ảnh: Sở cứu hỏa Myanmar |
|
Đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường - Ảnh: REUTERS |
|
Người dân hỗ trợ đội cứu hộ đưa thi thể nạn nhân ra ngoài - Ảnh: REUTERS |
|
Hiện trường vụ lở đất ở Myanmar - Ảnh: Nhân dân nhật báo |
|
Vị trí xảy ra vụ sạt lở - Ảnh: BBC |
Theo MINH KHÔI (TTO)