Thời sự - Bình luận

Siết chặt quản lý để chấn chỉnh đạo đức của người làm báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Buông lỏng quản lý là nói chung chung, thẳng thắn là đã để cho một số tờ báo, một số nhà báo tự tung tự tác, lợi dụng báo chí kiếm tiền bất chính, thậm chí cưỡng đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Xin đơn cử hai vụ mới toanh.

Ông Trần Trọng Lâm khi bị cảnh sát bắt quả tang. Ảnh cơ quan công an.



Ngày 25.7, Trần Trọng Lâm, ​​​​​​Phó Trưởng ban xã hội - Bạn đọc báo Sức Khoẻ và Đời Sống, bị bắt giữ về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” của một doanh nghiệp ở Bắc Giang, số tiền cưỡng đoạt là 210 triệu đồng.

Ngày 28.7, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt quả tang Lê Văn Lý, có giấy chứng nhận phóng viên của tạp chí điện tử “Nhân đạo & Đời sống”, văn phòng tại thành phố Bà Rịa, cưỡng đoạt tiền của một doanh nghiệp. Số tiền bị bắt quả tang là 40 triệu đồng.

Những vụ tương tự xảy ra không ít, doanh nghiệp sợ hãi những nhà báo loại chuyên đi trấn lột, nghề báo bị ô danh vì những chuyện này.

Thủ đoạn của những nhà báo chuyên đi cưỡng đoạt tài sản là thu thập những chứng cứ sai phạm của doanh nghiệp, tổ chức, rồi dọa dẫm tống tiền. Nhiều người vì muốn yên thân nên đưa tiền cho xong chuyện, nhưng có người mạnh dạn tố cáo.

Quy hoạch báo chí là siết chặt quản lý để chấn chỉnh đạo đức của người làm báo, đây mới là điểm quan trọng nhất.

Một trong những mục tiêu của việc quy hoạch báo chí là sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo từng trao đổi về quy hoạch báo chí với nội dung là khắc phục cấp phép tràn lan, phân biệt rõ tạp chí điện tử, báo điện tử để không nhầm lẫn, tránh tình trạng báo hóa tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp hóa báo điện tử.

Sự nhập nhằng báo với tạp chí là nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực xảy ra trong thời gian vừa qua. Nhiều tạp chí, trang tin điện tử lợi dụng tờ giấy phép để hoạt động báo chí. Ví dụ như tạp chí điện tử Nhân Đạo và Đời sống của Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, đúng ra chỉ thực hiện nội dung liên quan đến hoạt động của hội, nhưng lại lợi dụng danh nghĩa báo chí để cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.

Còn trang tin điện tử tổng hợp hóa báo điện tử thì quá nhiều, chưa kể những trang điện tử của các tổ chức, nhưng tự cho mình quyền hoạt động báo chí. Báo Lao Động ngày 24.7 có bài “Lột mặt để “bớt sâu trong nồi canh” trong hoạt động báo chí” nêu vụ hai nhân viên của Viện Nghiên cứu Thanh tra và Phòng, chống tham nhũng giả danh nhà báo để hoạt động báo chí.

Chấn chỉnh gấp, nếu không sẽ còn nhiều vụ tương tự.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/siet-chat-quan-ly-de-chan-chinh-dao-duc-cua-nguoi-lam-bao-823521.ldo
 

theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm