Tin tức

Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom tại Sri Lanka lên đến 138người

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vụ đánh bom nhà thờ và khách sạn tại thủ đô Colombo, Sri Lanka trong ngày Lễ Phục sinh đã khiến ít nhất 138 người thiệt mạng tính đến thời điểm này, cùng 400 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ khi Sri Lanka kết thúc cuộc nội chiến 10 năm về trước.
 
Các giáo sĩ được bảo vệ nghiêm ngặt sau khi xảy ra vụ việc. Thống kê cho thấy, số nạn nhân thiệt mạng và bị thương trong vụ đánh bom nhà thờ, khách sạn tại Sri Lanka đã lên đến hơn 100 người
Hơn 50 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom tại nhà thờ St. Sebastian ở Katuwapitiya, phía bắc thủ đô Colombo. Quang cảnh tại hiện trường cho thấy các thi thể nằm la liệt trên mặt đất, với những vũng máu và bên trong các công trình tan hoang. Tại nhà thờ ở Batticaloa, 25 người cũng đã thiệt mạng.
Cùng với đó, ba khách sạn Shangri-La Colombo, Kingsbury Colombo và Cinnamon Grand Colombo cũng xảy ra đánh bom, song hiện chưa rõ thiệt hại. Thống kê nhanh của cảnh sát, có 9 người nước ngoài thiệt mạng trong các vụ đánh bom này. Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm của vụ tấn công, được cho là đẫm máu nhất kể từ hàng thập kỷ nội chiến giữa chính phủ và phiến quân Tamil nổi dậy.
Các nhóm Thiên Chúa giáo cho biết, họ đã phải đối mặt với tình trạng quá khích đến từ một số phần tử Phật giáo. Năm ngoái, vụ xô xát giữa cộng đồng Phật giáo đông đảo và cộng đồng Hồi giáo thiểu số đã diễn ra, khi phía Phật giáo cáo buộc một số tín đồ Hồi giáo ép buộc các Phật tử phải cải sang đạo Hồi.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã kêu gọi tình trạng khẩn cấp ngay trong ngày: "Tôi cực lực lên án vụ tấn công hèn hạ nhằm vào người dân. Tôi kêu gọi mọi người dân Sri Lanka hãy cùng nhau đoàn kết và mạnh mẽ hơn nữa trong thời khắc đau thương này. Xin đừng lan truyền nhữn tin đồn thất thiệt. Chính phủ đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc".
Một trong những địa điểm bị đánh bom là nhà thờ St Anthony, ở Kochcikade, Colombo còn là địa điểm du lịch nổi tiếng. Nhà thờ St Sebastian hiện giờ đã trở thành một đống hoang tàn sau vụ nổ, với những vũng máu vương vãi của các nạn nhân, đồng thời giới chức nhà thờ đang kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Năm ngoái, đã có 86 vụ việc được xác nhận là phân biệt đối xử, đe dọa và bạo lực nhằm vào người Thiên Chúa giáo tại Sri Lanka, theo Giáo hội Phúc âm Quốc gia nước này (NCEASL). Hiện ở Sri Lanka có hơn 200 nhà thờ và các tổ chức Thiên Chúa giáo. Dân số của quốc đảo này vào khoảng 22 triệu người, với 70% dân số theo đạo Phật, 12,6% theo đạo Hindu, 9,7% theo đạo Hồi và 7,6% theo đạo Thiên Chúa (số liệu từ năm 2012).
Giám mục thủ đô Colombo Malcolm Cardinal Ranjith đã kêu gọi trên truyền hình rằng người dân cần bình tĩnh và kêu gọi chính quyền nhanh chóng điều tra và xác minh, trừng phạt thủ phạm theo pháp luật. Ông cũng kêu gọi người dân tham gia hiến máu để cứu những người bị thương. Bộ trưởng Giáo dục Akila Viraj Kariyawasam đã tuyên bố đóng cửa mọi trường học trong hai ngày thứ hai và thứ ba.
Ngày Phục sinh theo Thiên Chúa giáo, là ngày tương truyền Đức Chúa Jesus sống lại sau khi bị hành hình trên cây thập ác. Thế nhưng, tại Sri Lanka, những tín đồ của Đức Chúa Jesus đã không được hưởng niềm vui mừng này một cách trọn vẹn.
Phục Hưng (TPO/Theo Reuters)

Có thể bạn quan tâm