Xã hội

Gia đình

Sống tối giản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi mở một cửa hàng kinh doanh quần áo đã gần 10 năm. Gần đây, một số khách hàng ngạc nhiên khi tôi thường xuyên khuyên họ hãy mua ít quần áo lại. Thậm chí có lần, tôi hỏi thẳng một khách hàng thân quen: “Chị có thấy cần thiết phải mua món đồ này không?”. Hỏi như vậy vì quá trình bán hàng, tiếp xúc, tôi biết họ từng mua nhiều món hàng với kiểu dáng tương tự. Sau một hồi suy nghĩ, cuối cùng chị nghe theo tôi, quyết định không mua thêm. Tôi thầm nghĩ, cả chị và tôi đều thành công trong mục đích của mình.
Là người kinh doanh, tôi rất mong cửa hàng bán được nhiều đồ để tăng lợi nhuận. Nhưng gặp những khách hàng mua quá nhiều quần áo, tôi thầm nghĩ hẳn tủ đồ của họ đang “bội thực”, lãng phí. Nhiều người trong số họ nói rằng, có những món đồ mua về chưa kịp giặt, kịp mặc đã chán, đã muốn mua đồ mới. Đây có phải tâm lý thường tình của đa số phụ nữ: có càng nhiều quần áo càng thấy ít và hay than rằng không có gì để mặc.
Một căn phòng được trang trí theo phong cách tối giản (ảnh minh họa).
Cửa hàng của tôi mỗi năm đều lọc bớt một lượng quần áo dạng tồn kho để làm từ thiện, giúp ích cho người nghèo. Thứ nhất, tôi có thể giải phóng hàng tồn, hàng không còn hợp mốt… để thêm không gian trưng bày hàng mới. Đây cũng là cách để khách hàng dễ lựa chọn hàng hóa hơn. Thứ nữa, tôi có thể góp chút ít cho các chương trình thiện nguyện của bạn bè, đồng nghiệp. Tôi cũng làm như vậy đối với tủ đồ cá nhân của mình. Đã 2 năm nay, hễ mua một món đồ mới về, tôi sẽ cho đi một món đồ cũ. Có lần mua chiếc sơ mi mới, tôi lập tức mở tủ tìm chiếc sơ mi không còn thích nữa mang cho người khác. Có thể món đồ cũ không còn giá trị sử dụng với mình nhưng lại giúp ích được cho người khác. Cứ như vậy, tôi không còn cảm giác bội thực với đồ đạc, quần áo trong nhà. Đó cũng là cách mà tôi đang thực hành lối sống tối giản, mặc dù đạt được điều này bản thân sẽ còn phải cố gắng rất nhiều.
Tôi nhớ hơn 10 năm trước, trong chương trình sách giáo khoa bậc THPT có một bài đọc thêm dành cho học sinh bàn về lối sống tối giản. Bài học đó đại ý khuyên các bạn trẻ hãy sống tối giản để tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống và tìm thấy giá trị đích thực của bản thân họ. Nhưng vào thời điểm đó, lời khuyên này dường như không mấy sức nặng khi đời sống còn nhiều khó khăn, đa số không có điều kiện mua nhiều đồ đạc, quần áo như vài năm trở lại đây.
Vậy tại sao lối sống tối giản lại được nói đến nhiều như vậy trong thời điểm hiện tại. Xã hội ngày càng phát triển, thu nhập của nhiều người tăng lên đáng kể, có thể mua được mọi thứ một cách dễ dàng. Nhiều người lao vào cuộc đua mua sắm, cố gắng tìm kiếm giá trị ở những thứ ngoài bản thân như xe cộ, túi xách, quần áo, đồ công nghệ… Nhưng hẳn mọi người cũng nhận ra rằng, tỷ lệ thuận với điều đó là con người ngày càng mệt mỏi, lo lắng.
Một đồng nghiệp của tôi sau khi mua đất, làm nhà đã gánh thêm một đống nợ nần. Mặc dù khoản nợ làm nhà nằm trong kế hoạch nhưng để giảm bớt gánh nặng, người này quyết định sẽ cắt giảm chi tiêu. Khi nghe đồng nghiệp chia sẻ kế hoạch hạn chế mua sắm, kể cả quần áo, tôi hoàn toàn ủng hộ. Trong hoàn cảnh hiện nay, sống tối giản không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn hạn chế rác thải ra môi trường. Điều này vừa có ý nghĩa với bản thân, vừa mang lại lợi ích cho xã hội.
Vậy lối sống tối giản có phải là cách để tìm kiếm hạnh phúc thực sự bên trong mình? Điều này ít ra đúng với bản thân tôi sau một thời gian cố gắng tập sống tối giản. Nói cố gắng bởi không phải ngày một ngày hai mọi người có thể bỏ ngay được thói quen mua sắm vô tội vạ để “miễn nhiễm” với những thứ đồ đạc, hàng hóa mới ra. Nhất là, hàng hóa ra sau bao giờ cũng đẹp đẽ, lấp lánh, kích thích thị giác hơn. Thói quen “tham lam”, muốn sở hữu cái mới luôn ẩn sâu trong tiềm thức mỗi người thường trỗi dậy rất mạnh, rất khó để kiểm soát. Vì vậy, sống tối giản cần được thực hành dần dần qua từng ngày. Đó cũng là quá trình mỗi người tìm thấy mục đích, ý nghĩa riêng trong cuộc sống.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm