Thời sự - Bình luận

Sự dấn thân của người làm báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên mặt trận thông tin tuyên truyền, mỗi nhà báo được xem như một chiến sĩ. Vì vậy, bất cứ người làm báo nào cũng cần có sự dấn thân. Đó không chỉ thể hiện niềm đam mê, lòng yêu nghề mà còn là tinh thần trách nhiệm với bạn đọc, với đời sống xã hội.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Đức Thụy

Mới đây, 115 tác phẩm báo chí xuất sắc đã được vinh danh tại lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI-2021. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Giải thưởng hôm nay được dành để tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo. Đó là những ý tưởng tiên phong, sáng tạo, tinh thần dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối mặt với hiểm nguy… Những giá trị đó đã kết tinh trong các tác phẩm báo chí để góp phần thực hiện các chủ trương đúng đắn của Đảng, quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước, sự đồng hành của Nhân dân, làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Để có những bài báo hay, phản ánh chân thực, sinh động, kịp thời về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là các phóng sự điều tra thực trạng cuộc sống, nhiều phóng viên, nhà báo đã phải đối mặt với hiểm nguy, bị đe dọa, đi vào giữa tâm dịch, tâm bão, thiên tai địch họa…”.

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy rõ vai trò dấn thân của đội ngũ người làm báo trong cả nước nhằm truyền tải “hơi thở” cuộc sống đến độc giả. Tinh thần dấn thân, chiến đấu vì sự thật, vì lẽ phải, vì một xã hội tốt đẹp hơn được thể hiện mạnh mẽ trong các tác phẩm báo chí được vinh danh. Chúng ta ắt hẳn không thể quên được những hình ảnh chân thật đến ám ảnh trong từng thước phim tài liệu truyền hình không lời bình “Ranh giới” của nhóm tác giả Tạ Quỳnh Tư, Kiều Viết Phong (Đài Truyền hình Việt Nam). Trong suốt 50 phút, chỉ bằng hình ảnh, âm hiện trường, ê kíp thực hiện đã đưa khán giả đến với Bệnh viện Hùng Vương-nơi điều trị hàng trăm sản phụ nhiễm Covid-19 với những căng thẳng, tàn khốc, hồi hộp cùng rất nhiều cung bậc cảm xúc và cả nước mắt. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ: “Chúng tôi suy nghĩ là sẽ làm cái gì, ranh giới của sự lựa chọn, của sự sống và cái chết, trong đó có cả ranh giới của những người làm báo chúng tôi. Chúng tôi có đủ dũng cảm để vượt qua hay không, dám đối mặt với sự thật không. Xác định theo nghiệp làm báo thì chúng tôi cũng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, là tuyến đầu”. Hay cũng xuất phát từ trách nhiệm mà xã hội trao gửi cho những người cầm bút, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) đã đặt câu hỏi “nhà báo đứng ở đâu” khi thấy thú rừng bị tàn sát. Loạt phóng sự điều tra “Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng” của ông đã tạo được ấn tượng mạnh bởi sự dấn thân, tính chiến đấu và nghệ thuật sử dụng ngôn từ, có tác động xã hội lớn…

Báo chí là một nghề đặc biệt. Mỗi nhà báo ngoài năng khiếu, lòng yêu nghề còn phải dám dấn thân. Tôi đã từng được làm việc với những đồng nghiệp thực sự dũng cảm. Để có những bài viết điều tra chân thực về nạn “chặt chém” tại các hàng quán, họ không ngần ngại trở thành người chạy bàn; có người từng đeo bám suốt nhiều ngày liền trên các chuyến xe đường dài để điều tra thực trạng tài xế sử dụng ma túy đá; có phóng viên không quản nguy hiểm, vất vả lần theo dấu vết của một vụ phá rừng hay cố gắng làm rõ, kết nối thông tin để tìm lại công trạng cho một người anh hùng trong thời chiến… Nếu không có sự dũng cảm, tinh thần dấn thân vì nghề, ắt hẳn người làm báo sẽ không thể nào đi được đến tận cùng của sự thật như vậy.

Vì thế, một người làm báo chân chính, sẵn sàng dấn thân là phải “phanh phui đến cùng những mặt trái, đi đến thẳm sâu của những đau thương và nhân lên thật nhiều những điều tử tế” để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Với tinh thần ấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng: “Mỗi tác phẩm báo chí sẽ mang sứ mệnh lan tỏa niềm tin, truyền cảm hứng, thúc đẩy động lực, thắp sáng những điều tốt đẹp để đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân”.

 

 PHƯƠNG LINH
 

 

Có thể bạn quan tâm