Tín dụng tháng 1 tăng trưởng âm do nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế kém. Khảo sát bỏ túi một số doanh nghiệp (DN) cho biết, sức mua trên thị trường yếu nên họ không có động lực mở rộng quy mô, tăng năng suất. Sức mua vẫn là vấn đề đeo đuổi nền kinh tế suốt cả năm 2023 và vẫn còn nguyên đó khi bước sang năm 2024.
Còn nhớ cao điểm Tết Giáp Thìn vừa rồi, hàng ngàn nhà vườn thấp thỏm lo sức mua trên mỗi chuyến xe, gánh hoa chở về TP tiêu thụ. Hàng loạt chợ truyền thống ở các đô thị lớn ế đến ngày cuối cùng của năm cũ... Khi thu nhập giảm và khó khăn còn bủa vây phía trước, ngay cả những người có tiền cũng co lại phòng thủ, đừng nói đến những người làm công ăn lương, đối tượng chiếm 70% trong tổng thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay. Nhìn trên toàn cục, những người làm công ăn lương đang đóng thuế cao nhất và thiệt thòi nhất. Đơn cử theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN nhưng chỉ duy nhất thu nhập từ tiền lương, tiền công áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần với các mức thuế từ 5 - 35%. Các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần chỉ từ 0,5 - 5% thuế TNCN cộng thêm với thuế giá trị gia tăng (GTGT) dao động từ 1 - 5%. Thế nên cùng thu nhập thì người làm công ăn lương đóng cao hơn người bán hàng online, cá nhân kinh doanh. Người làm công ăn lương cũng đóng thuế TNCN với tỷ lệ cao hơn cả DN. Thuế thu nhập DN hiện là 20% và các DN chỉ nộp thuế sau khi được khấu trừ tất cả chi phí hợp lý; còn người làm công ăn lương thì mọi sinh hoạt đời sống, ốm đau bệnh tật cũng gói gọn trong 11 triệu đồng.
Đóng thuế cao nhất nhưng người làm công ăn lương lại là đối tượng bị lãng quên lâu nhất trong các chính sách thuế. Nếu DN được giảm thuế GTGT, được giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất... suốt mấy năm qua thì với thuế TNCN, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) 11 triệu đồng với người đóng thuế, 4,6 triệu đồng với người phụ thuộc đã quá lạc hậu, vẫn không được điều chỉnh. Hơn 4 năm qua là quãng thời gian khó khăn nhất với nền kinh tế, khó khăn nhất với người dân nhưng bất chấp các kiến nghị, đề xuất nâng mức GTGC của các đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia, và hàng triệu người làm công ăn lương..., ngưỡng thuế lỗi thời đến vô tình trên vẫn được duy trì. Thu nhập chỉ đủ trang trải đời sống mà vẫn phải đóng thuế, trong khi khó khăn vẫn hiện diện trước mắt..., thì thắt lưng buộc bụng là điều tất yếu. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sức mua sụt giảm đến như vậy. Mà sức mua giảm thì tồn kho tăng, sản xuất đình đốn, nhu cầu mở rộng không có, DN vay vốn để làm gì?
Nên kích sức mua ở thời điểm hiện nay, không chỉ là giảm giá hàng hóa thông qua giảm thuế GTGT, tăng khuyến mãi mà còn phải tăng thu nhập cho người dân thông qua giãn, giảm, miễn thuế TNCN. Ở đây, người làm công ăn lương chỉ cần sự công bằng, đó là một mức GTGC cho cá nhân và người phụ thuộc hợp lý, hợp tình; được khảo sát và dựa trên các chứng cứ khoa học, bảo đảm cuộc sống cá nhân trước khi tính thuế.
Mới nhất, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức GTGC trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Người làm công ăn lương vẫn đợi được chia sẻ, sức mua vẫn đợi một cú hích từ phía thuế TNCN.