Thời sự - Bình luận

Tài nguyên bị bỏ phí vì vướng thủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 77 m3 gỗ tang vật trong một vụ án phá rừng xảy ra cách đây khoảng 10 năm vẫn nằm ở bìa rừng thuộc tiểu khu 278, xã Đăk Rơ Nga (H.Đăk Tô, Kon Tum).

Do phơi nắng mưa nhiều năm, số gỗ này dần bị mục nát, nhiều khúc gần như đã hư hỏng hoàn toàn. Điều đáng nói là đến nay lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum vẫn lúng túng trong việc xử lý số gỗ tang vật này.

Tìm hiểu vì sao lại có cảnh trớ trêu này, người viết được biết số gỗ nói trên được cơ quan chức năng bàn giao cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô quản lý. Để tránh hư hỏng, lãng phí, công ty đã đề xuất thanh lý nhiều lần nhưng do bị vướng các quy định về luật Lâm nghiệp nên vẫn chưa xử lý được.

Ngoài vụ việc trên, vào các năm 2016 và 2017, tại rừng đặc dụng Đăk Uy (H.Đăk Hà) có hàng chục cây gỗ trắc bị ngã đổ. Trắc là loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm 2A. Để phòng ngừa lâm tặc vào trộm gỗ, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy (đơn vị chủ rừng) tự ý cắt khúc hơn 2,2 m3 gỗ trắc và đưa vào kho bảo quản. Chủ rừng cũng đã có văn bản xin ý kiến xử lý số gỗ trắc.

Trước sự việc này, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi 2 bộ NN-PTNT và Tài chính xin ý kiến hướng dẫn trình tự thủ tục khai thác lâm sản nguy cấp, quý hiếm và xử lý hơn 2,2 m3 gỗ trắc đã cưa.

Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản trả lời và khẳng định việc chủ rừng tự ý cưa gỗ trắc và đưa vào kho bảo quản hơn 2,2 m3 là sai, không thực hiện đúng quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Số gỗ này không thuộc đối tượng được phép khai thác trong khu rừng đặc dụng.

Hiện, tại rừng đặc dụng Đăk Uy vẫn còn 61 cây trắc chết đứng và 100 gốc gỗ trắc đang nằm phơi mưa nắng nhưng do từng bị "tuýt còi" vì vụ cưa 2,2 m3 gỗ trắc đã chết nói trên nên chủ rừng đành cắt cử nhân viên canh giữ từng cây, gốc trắc. Vì thế mà lực lượng kiểm lâm bị phân tán, không đủ người để bảo vệ rừng, còn tài nguyên quốc gia, tài sản nhà nước thì đang dần mục ruỗng theo thời gian.

Có thể bạn quan tâm