Tin tức

Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Zimbabwe đến đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hiện giới quan sát đang quan tâm đến vai trò của Trung Quốc ở Zimbabwe sau hàng loạt biến cố chính trị mới đây ở quốc gia châu Phi này.
 Tướng Chiwenga (giữa) được lãnh đạo quân đội Trung Quốc tiếp đón ở Bắc Kinh. Ảnh: BBC.
Tướng Chiwenga (giữa) được lãnh đạo quân đội Trung Quốc tiếp đón ở Bắc Kinh. Ảnh: BBC.
Sau khi quân đội Zimbabwe nắm toàn quyền ở thủ đô Harare của nước này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liền tuyên bố rằng chuyến đi mới đây của tư lệnh quân đội Zimbabwe tới Bắc Kinh là một “cuộc trao đổi quân sự bình thường”.
Tin tức về việc tướng Zimbabwe Constantino Chiwenga đã thăm Trung Quốc chỉ vài ngày trước cuộc chính biến 15-11 nhận được sự chú ý đặc biệt của giới quan sát quốc tế.
Trung Quốc cho hay, họ theo dõi sát sao các diễn biến ở Zimbabwe; tuy nhiên, chưa thấy họ lên án nỗ lực ép Tổng thống Mugabe chuyển giao quyền lực.
Trung Quốc có các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD ở Zimbawe, trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp tới xây dựng. Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất cho các hàng xuất khẩu của Zimbabwe.
Quan hệ của Trung Quốc với Zimbabwe là sâu sắc, bắt đầu trong thời kỳ nội chiến Zimbabwe. Vào năm 1979, Robert Mugabe không nhận được sự hậu thuẫn của Liên Xô nên ông quay sang Trung Quốc – đất nước đã cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các du kích của ông.
Trung Quốc và Zimbabwe chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao khi Zimbabwe giành được độc lập vào năm 1980. Năm 1981, Robert Mugabe lần đầu thăm Bắc Kinh trên cương vị Thủ tướng. Kể từ đó, ông Mugabe thường xuyên đến thăm Trung Quốc.
Trong nhiều năm liền, các quan chức Zimbabwe đã nỗ lực dựa vào Trung Quốc để đối phó với phương Tây, cổ xúy cho chiến lược “Hướng Đông” của nước này, đặc biệt là sau khi EU áp dụng các chế tài trừng phạt đối với Zimbabwe vào năm 2002.
Thực tế thì, một thập kỷ trước đây, ông Mugabe đã phát biểu tại một cuộc tụ họp ở sân vận động quốc gia do Trung Quốc xây ở Harare: “Chúng ta đã quay sang phía đông, nơi mặt trời mọc, và quay lưng với phương tây, nơi mặt trời lặn”.
Giao lưu quân sự với Trung Quốc cũng trở nên sâu sắc trong kỷ nguyên “Hướng Đông” của Zimbabwe.
Zimbabwe đã mua đáng kể vũ khí từ Trung Quốc, bao gồm máy bay phản lực Hongdu JL-8, máy bay tiêm kích JF-17 Thunder, xe quân sự, radar và các loại vũ khí khác.
Trong khi nhiều sứ quán nước ngoài ở Zimbabwe thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa thì đại sứ quán Bắc Kinh lại mở rộng.
Người Trung Quốc đầu tư vào “hỗ trợ kỹ thuật” cho đảng cầm quyền Zanu-PF, bao gồm hệ thống an ninh và dinh tổng thống.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Zimbabwe vào năm 2015 và Tổng thống Mugabe thăm Bắc Kinh vào tháng 1-2017.
Tuy nhiên trước tình hình chính trị ở Zimbabwe, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng như đồng nghiệp phương Tây đều tỏ ra mong muốn có sự ổn định, môi trường đầu tư tốt hơn và việc đề cao chế độ pháp quyền.
Về mặt công khai, lãnh đạo Trung Quốc vào đầu năm 2017 nói rằng họ sẵn sàng khuyến khích các công ty có năng lực đầu tư vào Zimbabwe. Tuy nhiên, thông điệp kín đáo là sẽ không có khoản cho vay nào nữa nếu Zimbabwe chưa ổn định nền kinh tế của mình.
Các nhà ngoại giao và doanh nghiệp Trung Quốc đang chờ đợi những ngày tốt đẹp hơn ở Zimbabwe.
Trung Quốc là nước mua thuốc lá Zimbabwe nhiều nhất, nhưng hiện nay nhiều công ty Trung Quốc đang thấy môi trường đầu tư ở đây có vấn đề và họ muốn tìm kiếm các thị trường thay thế.
Khác với Ethiopia, Sudan và Angola là các đối tác chiến lược, hay Nigeria, Kenya và Nam Phi là các thị trường lớn, Zimbabwe còn xa mới trở thành ưu tiên mới của Bắc Kinh. Mối quan tâm của Bắc Kinh hiện là môi trường đầu tư tốt hơn ở quốc gia châu Phi này.
Nếu diễn ra cuộc bầu cử để lập ra một chính phủ mới hợp pháp ở Harare thì đó là điều có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Anh-đất nước từng cai quản thuộc địa Zimbabwe.
Trung Hiếu (VOV)
Theo BBC

Có thể bạn quan tâm