Tin tức

Tấn công vào biên giới Syria - Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không có ý định xâm lược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 8/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tấn công khu vực biên giới giữa Syria - Iraq nhằm ngăn chặn lực lượng người Kurd sử dụng tuyến đường này để củng cố khu vực Đông Bắc Syria.
 
Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng tiến vào khu vực Đông Bắc Syria. (Nguồn: AP)
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quân đội nước này đã sẵn sàng tiến vào khu vực Đông Bắc Syria, sau khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Quyết định rút quân được xem là hành động bỏ rơi đồng minh và khiến Tổng thống Donald Trump bị chỉ trích từ nhiều phía. 
Động thái của Mỹ sẽ khiến các lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn dễ dàng bị Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Nhóm vũ trang người Kurd (YPG) vốn bị Ankara xem là một tổ chức khủng bố.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp "rắc rối lớn" nếu bất kỳ nhân viên Mỹ nào ở Syria bị thương trong chiến dịch quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành.
Trong một diễn biến liên quan, tối 7/10, trả lời phỏng vấn đài CNN qua điện thoại, Người Phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin tuyên bố, nước này không có ý định chiếm đóng bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Syria.
Ông Kalin nêu rõ: “Vùng an toàn ở phía Bắc Syria có hai mục đích chính. Một là sẽ bảo vệ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ - giống như người Mỹ quan tâm đến an ninh biên giới của họ, chúng tôi cũng phải bảo vệ biên giới của mình. Mục đích thứ hai là tạo địa điểm cho người tị nạn quay trở lại an toàn và tự nguyện”.
Đề cập đến hai chiến dịch quân sự mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc Syria, ông Kalin khẳng định, Ankara chưa chiếm đóng bất cứ phần lãnh thổ nào của Damascus. Ông nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ không có lợi ích khi chiếm đóng bất cứ phần nào của Syria. Chúng tôi chưa từng thực hiện việc đó ở Jarablus khi chúng tôi chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và xóa sổ 3.000 tên khủng bố ở đó… Hoặc khi chúng tôi tiến vào Afrin, chúng tôi chưa từng xâm lược bất cứ phần nào của Syria, chúng tôi đã trao trả những nơi này cho những người chủ và cư dân địa phương. Chúng tôi cũng không có ý định xâm lược bất cứ phần nào của Syria ở bờ Đông sông Euphrates và cũng không có lợi ích gì trong việc thay đổi nhân khẩu học tại đó”.
Ông Kalin nói thêm: “Đây không phải là động thái chống lại người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ không có vấn đề gì với người Kurd. Chúng tôi đang chiến đấu chống một tổ chức khủng bố đã giết hại và áp bức người Kurd".
Liên quan đến tình hình tại khu vực này, ngày 8/10, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, trong cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Hội đồng An ninh Liên bang (Thượng viện) cho biết đã thảo luận về việc thành lập một ủy ban hiến pháp ở Syria và “lưu ý rằng, trong giai đoạn này, mọi người nên tránh bất cứ hành động nào có thể cản trở tiến trình hòa bình ở Syria”.
Trong khi đó, theo tuyên bố được 15 thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua cùng ngày, HĐBA đã hoan nghênh thông báo của Tổng thư ký Antonio Guterres hôm 23/9 về một thỏa thuận giữa Chính phủ Syria và phe đối lập về một Ủy ban Hiến pháp gồm 150 thành viên.
HĐBA LHQ cho rằng, việc thành lập Ủy ban nhằm soạn thảo một bản hiến pháp mới cho Syria vào cuối tháng 10 này sẽ là sự khởi đầu cho một tiến trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 8 năm qua ở quốc gia Arab này.
HĐBA nhấn mạnh “ủng hộ mạnh mẽ” phái viên LHQ Geir Pedersen, người sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác của ủy ban “của người Syria và do người Syria lãnh đạo” trong việc triệu tập phiên họp đầu tiên tại Geneva vào ngày 30/10 tới. HĐBA tái khẳng định, “không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột” tại Syria.
Thế Việt (TGVN/theo Anadolu, Reuters, AFP, AP)

Có thể bạn quan tâm