Thời sự - Bình luận

Tận dụng kinh nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có thể thấy sau hơn 6 năm triển khai, án lệ đã đi vào đời sống pháp lý, nâng cao vai trò xét xử của tòa án, góp phần hoàn thiện pháp luật, đảm bảo sự công bằng, giảm thiểu oan sai.

Theo Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.


 

Hội thảo ứng dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP.HCM. Ảnh: Song Mai



Trên thế giới, án lệ có từ rất lâu và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tư pháp của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, án lệ mới được triển khai và áp dụng. Từ ngày 6.4.2016 (ngày công bố 6 án lệ đầu tiên) đến nay, Chánh án TAND tối cao đã công bố 52 án lệ và thêm 4 án lệ mới đã được thông qua ngày 6.9.2022 (chưa được công bố).

Tại Hội thảo ứng dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP.HCM mới đây, đại diện TAND TP.HCM cũng cho biết tính đến ngày 18.8, đã có 69 bản án, quyết định có áp dụng án lệ.

Có thể thấy sau hơn 6 năm triển khai, án lệ đã đi vào đời sống pháp lý, nâng cao vai trò xét xử của tòa án, góp phần hoàn thiện pháp luật, đảm bảo sự công bằng, giảm thiểu oan sai. Việc áp dụng án lệ còn tạo được sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ án có tính chất tương tự như nhau.

Tuy vậy phải thừa nhận rằng số lượng án lệ tại Việt Nam hiện nay chưa tương xứng. Nguyên nhân có thể kể đến do tỷ lệ 1,5% án hủy, sửa đã tạo cho thẩm phán tâm lý e dè, không không dám sáng tạo theo pháp luật trong nhận định. Ngoài ra, cần có khen thưởng, đãi ngộ cho thẩm phán có án lệ.

Trung bình mỗi năm cả nước có 300.000 bản án và riêng tại TP.HCM là 60.000 bản án. Các thư ký tòa, thẩm phán là người trực tiếp tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ, vụ việc; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nên sẽ nắm bắt rõ để đề xuất án lệ.

Ngoài việc “khen thưởng, đãi ngộ cho thẩm phán có án lệ”, theo người viết, còn là tận dụng kinh nghiệm thực tiễn, quá trình tiếp cận hồ sơ, xét xử và đưa ra bản án của các thẩm phán, với mục tiêu giúp pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn chỉnh, tiến bộ.

Theo Song Mai (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm