Tận dụng những đảo nhân tạo phi pháp, đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc gần đây ngang ngược lấn sâu vào vùng biển của Indonesia, Malaysia và Brunei nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc xuất hiện tại EEZ của Indonesia quanh quần đảo Natuna. Ảnh: Reuters
Các tàu của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của 3 quốc gia Đông Nam Á trong tháng 12.2019 và đầu tháng 1.2020, theo báo cáo chương trình Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMIS) mới công bố của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
Báo cáo xác định tàu cảnh sát biển Trung Quốc xuất phát từ cơ sơ quân sự phi pháp trên Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc ngang ngược chiếm đóng, bồi đắp ba bãi đá này thành đảo nhân tạo phi pháp.
“Trung Quốc dùng cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo phi pháp làm tiếp tế, giúp đội tàu cảnh sát biển tiến hành hoạt động xa hơn, kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí nhiều tháng. Đây vốn là điều bất khả thi đối với tàu Trung Quốc trước đây”, theo AMTI.
Malaysia và Brunei được cho là chọn cách im lặng trước việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm EEZ. Tuy nhiên, Indonesia kịch liệt lên án và công khai thách thức lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc, theo The Philippine Star.
Trong vài tuần liền kể từ cuối tháng 12.2019, các tàu cảnh sát biển Trung Quốc, xuất phát từ 3 cơ sở quân sự ở Trường Sa, bị phát hiện hộ tống một đội tàu cá xâm phạm EEZ của Indonesia quanh quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông. Đội tàu cá này được cho là một phần của lực lượng dân quân biển giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp “đường lười bò”, nuốt trọn gần cả Biển Đông.
AMTI theo dõi được hoạt động của ít nhất 4 tàu cảnh sát biển Trung Quốc, ngay cả khi những tàu này thường tắt tín hiệu Hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Các tàu này còn thực hiện hoạt động tuần tra bên trong vùng biển của Malaysia và Brunei trước khi xâm phạm EEZ của Indonesia.
Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc được xác định là tàu tuần tra lớp Zhaolai và Shucha II mang số hiệu 5403, 5202, 5302 và tàu hải giám 2169 xuất phát từ cảng ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam.
Tàu tuần tra lớp Shucha II mang số hiệu 5302 xuất phát từ Đá Vành Khăn và gia nhập với các tàu khác lấn sâu vào EEZ của Malaysia đầu tháng 12. Tàu mang số hiệu 5202 sau đó rời khỏi đội và di chuyển về phía Đá Chữ Thập để tiếp tế, theo AMTI.
“Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc rút lui ngày 11.1 và chiếc 5202, 5402, 5302, 2169 trở về Hải Nam hôm 16.1. Trong khi đó, tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 46303 tiếp tục ở lại trên biển và nhận nhiệm vụ tuần tra quanh Cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia”, AMTI lưu ý.
Báo cáo AMTI nhấn mạnh ngay cả những quốc gia trong khu vực hạ thấp vấn đề tranh chấp chủ quyền, ưu tiên phát triển mối quan hệ tích cực với Bắc Kinh vẫn phải đối mặt hành động áp bức và dọa giẫm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong hội thảo dự báo tình hình an ninh châu Á năm 2020 của CSIS tại Mỹ mới đây, giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ hành động cưỡng ép. Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình AMTI, dự đoán Trung Quốc sẽ tăng cường điều động lực lượng cảnh sát biển kết hợp dân quân biển đội lốt ngư dân để bắt nạt các quốc gia láng giềng ở Biển Đông.
Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc
Ngay trong ngày đầu năm mới âm lịch, tàu chiến đấu ven biển USS Montgomery đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Chiếc USS Montgomery ngày 25.1 đã tiến hành FONOP, di chuyển gần Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của VN. Đây là đợt FONOP đầu tiên trong năm 2020 ở Biển Đông.
Sau đó, các chuyên trang quân sự Mỹ và tờ Times of San Diego vừa dẫn nguồn từ quân đội Mỹ công bố hình ảnh chụp cảnh 2 tàu chiến cận bờ thuộc lớp Independence của nước này là USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords song hành trên Biển Đông vào ngày 28.1.
Tàu chiến đấu ven biển USS Montgomery lớp Independence của hải quân Mỹ. Ảnh; AFP
Trước đó, Lầu Năm Góc cảnh báo về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, chẳng hạn triển khai tên lửa chống hạm, thiết bị gây nhiễu điện tử và xây dựng cơ sở quân sự tại những bãi đá bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa. Do đó, Mỹ đang đẩy mạnh việc triển khai tàu chiến đến Biển Đông, theo Đài NHK.
Liên quan tình hình khu vực, hải quân Mỹ ngày 26.1 tuyên bố vừa triển khai 2 máy bay không người lái Triton đến đảo Guam để theo dõi động thái quân sự của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Là phiên bản cải tiến của Global Hawk, chiếc Triton được trang bị hệ thống cảm biến mới nên có thể tiến hành hoạt động trinh sát trên phạm vi rộng hơn.
Phúc Duy (Thanh Niên)