Tin tức

Tàu hải cảnh và mưu đồ quyền lực mềm của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang tìm cách ngụy tạo vẻ thân thiện của những tàu hải cảnh vốn chuyên quấy rối, dọa dẫm ngư dân nước khác ở Biển Đông.
 
Tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc tại cảng Manila ở Philippines. Ảnh chụp màn hình SCMP
Tờ South China Morning Post ngày 19.1 dẫn lời giới phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc điều tàu hải cảnh đến thăm một số cảng trong khu vực là biện pháp ngoại giao mới nhưng cũng có thể phục vụ cho mưu đồ ở Biển Đông và không thân thiện như bề ngoài.
Nhận định được đưa ra sau khi tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc cập cảng Manila (Philippines) vào ngày 13.1 và tham gia diễn tập tìm kiếm cứu hộ tại trụ sở của Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG).
Theo chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), chuyến thăm giúp làm dịu bớt hình ảnh của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là một lực lượng mang tính cưỡng ép.
“Bắc Kinh cũng hy vọng sử dụng chuyến thăm này như một hình mẫu thể hiện rằng các lực lượng hải cảnh có thể hợp tác dù có bất đồng, với hy vọng rằng các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong khu vực Đông Nam Á có thể có những trao đổi tương tự”, ông nhận định.
Công cụ quấy rối, dọa dẫm
Tuy nhiên, chuyên gia này không cho rằng chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc đến Manila có thể thay đổi quan niệm ở Philippines về lực lượng này, dù tàu chuyển viện trợ đến các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi núi lửa Taal phun trào.
Nghị sĩ Rufus Rodriguez, chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tại Hạ viện Philippines, cho rằng Philippines không nên chào đón tàu hải cảnh Trung Quốc vì đó là công cụ chuyên quấy rối và dọa dẫm ngư dân Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Tờ Philippine Daily Inquirer lưu ý rằng các tàu hải cảnh Trung Quốc lâu nay chiếm bãi cạn tranh chấp Scarborough để thực thi các yêu sách của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đang dùng tàu hải cảnh để bảo vệ các tàu dân quân biển của nước này ở Biển Đông.
Vào tháng 9.2019, Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ) cho hay các tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra khu vực Biển Đông do Malaysia tuyên bố chủ quyền suốt 70% thời gian trong một năm trước đó. Các tàu này cũng tuần tra khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Khánh An (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm