Tin tức

Tàu nước ngoài đầu tiên cập cảng Ukraine, nhà máy Zaporizhia bị tấn công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov thông báo một tàu chở hàng nước ngoài đã đến Ukraine hôm 7-8. Đây là con tàu đầu tiên cập cảng nước này từ khi chiến sự với Nga bắt đầu vào tháng 2.

Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Oleksandr Kubrakov cho biết tàu chở hàng tổng hợp Fulmar S mang cờ Barbados đã cập cảng Chornomorsk của Ukraine và sẽ chở ngũ cốc rời đi.

Ông Kubrakov cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo các cảng của chúng tôi có thể tiếp nhận và xử lý nhiều tàu hơn. Chúng tôi hy vọng trong 2 tuần tới, có thể chứng kiến việc 3-5 tàu cập cảng mỗi ngày".


 

Tàu chở hàng Fulmar S mang cờ Barbados đã cập cảng Chornomorsk của Ukraine. Ảnh: Reuters
Tàu chở hàng Fulmar S mang cờ Barbados đã cập cảng Chornomorsk của Ukraine. Ảnh: Reuters


Ông Kubrakov nói thêm: "Sự kiện này là một tín hiệu quan trọng cho thấy thương vụ vận chuyển ngũ cốc là cơ hội kinh doanh an toàn và quan trọng nhất là có lợi nhuận cho các chủ tàu khi quay trở lại các cảng của Ukraine". Bộ trưởng Kubrakov cho biết Ukraine đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng qua các hải cảng ở Biển Đen.

 

 Đoàn kiểm tra gồm đại diện của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hiệp Quốc đến tàu chở hàng M/V Fulmar S gần phía Tây Bắc của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 5-8. Ảnh: Reuters
Đoàn kiểm tra gồm đại diện của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hiệp Quốc đến tàu chở hàng M/V Fulmar S gần phía Tây Bắc của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 5-8. Ảnh: Reuters



Hãng Reuters đưa tin Ukraine đang bắt đầu nối lại xuất khẩu ngũ cốc dưới nỗ lực của Trung tâm điều phối chung (JCC), đơn vị giám sát hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc vẫn đang bị "mắc kẹt" trong các kho chứa của Ukraine.

Trước đó, hôm 5-8, ba tàu chở ngũ cốc đã rời các cảng của Ukraine. Đây cũng là các tàu chở hàng đầu tiên rời cảng Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Điều này đánh dấu những bước tiến tiếp theo trong nỗ lực của chính phủ Kiev nhằm phục hồi nền kinh tế sau 5 tháng chiến sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhận định việc nối lại xuất khẩu là tích cực, nhưng cho rằng rủi ro an ninh vẫn còn. Phát biểu vào tối 7-8, ông Zelenskiy nói: "Mối đe dọa về các hành động khiêu khích vẫn còn. Nhưng nếu các đối tác của chúng tôi thực hiện một phần cam kết và đảm bảo an ninh cho nguồn cung cấp, thì sẽ thực sự giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu".


 

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bên ngoài thành phố Enerhodar vào ngày 4-8. Ảnh: Reuters
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bên ngoài thành phố Enerhodar vào ngày 4-8. Ảnh: Reuters


Trong diễn biến khác, Công ty Sản xuất Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Energoatom cho biết Nga đã nã pháo vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia hai lần chỉ trong vài giờ.

Hãng Ukrinform dẫn thông báo của Công ty Energoatom cho biết: "Tối 5-8, Nga đã nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia lần thứ hai bằng hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS). Ba quả đạn bắn trúng nhà máy, gần một trong những tổ máy điện nơi đặt lò phản ứng hạt nhân. Có nguy cơ rò rỉ hydro và bắn tung tóe các chất phóng xạ. Nguy cơ hỏa hoạn cao. Hiện chưa có thương vong". Các nhân viên Ukraine của nhà máy đang thực hiện tất cả các biện pháp để đảm bảo an toàn hạt nhân và bức xạ và loại bỏ hậu quả thiệt hại.

Phía Ukraine cáo buộc Nga trước đó đó đã bắn vào nhà máy Zaporizhia lúc 14 giờ 30. Ba vụ nổ đã được ghi nhận gần khu công nghiệp của nhà máy.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc các lực lượng Ukraine đã pháo kích vào nhà máy. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc pháo kích đã làm hỏng hai đường dây điện và một đường ống dẫn nước, khiến hơn 10.000 cư dân không có nước và điện.

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi hôm 6-8 nhận định vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có khả năng gây ra "hậu quả thảm khốc".

Bộ Quốc phòng Anh cảnh báo tình hình xung quanh nhà máy Zaporizhzhia có thể sẽ ngày càng nguy hiểm hơn, vì cuộc giao tranh nặng nề nhất đang dịch chuyển về hướng của nhà máy điện.

 

Theo Huệ Bình (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm