Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Tết là để trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mong rằng, những đứa con xa quê sẽ chắt chiu từng cái tết để trở về nhà bên gia đình, bên cha mẹ. Bởi, chúng ta đâu biết sẽ được gặp cha mẹ mình được bao nhiêu mùa xuân nữa...

Mỗi lần nhắc về tết, lòng tôi lại trào lên những xúc cảm khó tả.

Hơn 12 năm rời quê hương (tỉnh Thanh Hóa) vào Sài Gòn lập nghiệp, niềm vui lớn nhất của tôi chính là đếm ngày về quê ăn tết. Dù khi đã có gia đình hay còn độc thân, sự mong chờ ấy không hề thay đổi.

Đến độ, chỉ cần bước vào đầu tháng 12 Dương lịch mỗi năm, ti vi, điện thoại của tôi luôn bật nhạc tết. Lên công ty, tôi cũng nhờ đồng nghiệp mở nhạc xuân để lòng thấy rộn ràng. Trên đường chỉ cần một cơn gió se lạnh cũng khiến trái tim bé nhỏ này nôn nao.

Có nhiều người than thở với tôi rằng, lớn rồi, tết ngày càng nhạt và nhiều nỗi lo quá, chẳng thích tết chút nào. Mỗi người sẽ có một lý do cho riêng mình. Nhưng với tôi, tết nay hay tết xưa đều vẹn nguyên, đầm ấm và đáng mong chờ như thế.

Tôi sinh ra ở một làng quê bình yên và mộc mạc. Gia đình tôi đông người, 6 chị em gái và 1 đứa em trai. Chúng tôi đã cùng nhau lớn lên trong tuổi thơ thiếu thốn, cơ cực nhưng đầy ắp tình yêu, sự dạy dỗ nghiêm túc và học hành tới nơi tới chốn.

Gia đình tôi là trưởng 1 chi họ, rất lễ nghi và phép tắc. Tôi thuộc lòng từng khoảnh khắc của tết. Những ngày theo mẹ đi chợ tết, chẳng để làm gì, chỉ cần nhìn dòng người tấp nập buôn bán, hít hà hương thơm quần áo mới, tôi cũng đã thấy đó là một món quà. 28 Tết cũng là ngày gói bánh chưng, làm thịt heo, dọn dẹp thật sạch tất cả ngóc ngách trong nhà. Bận mà vui. Chiều 30 Tết, cả gia đình tất bật làm thịt gà, nấu chè, chuẩn bị mâm cơm đón giao thừa, ăn bữa cơm tất niên.

Ngôi nhà tuổi thơ, nhìn thôi cũng đã thấy tết

Ngôi nhà tuổi thơ, nhìn thôi cũng đã thấy tết

11 giờ đêm giao thừa, tôi xúng xính chuẩn bị mặc đồ mới thật đẹp. 12 giờ đêm, khi đồng hồ vừa điểm, nghe đọc thư chúc tết của chủ tịch nước, nghe bài hát Gần lắm Trường Sa, nhìn cha rưng rưng vì xúc động. Kết thúc nghi lễ, cha bắt đầu đánh trống báo hiệu một mùa xuân mới rộn ràng. Gia đình quay quần ngồi chúc nhau và lì xì năm mới.

Chúng tôi cũng tất bật chuẩn bị cỗ bàn để chờ anh em họ hàng đón chúc tết ngay trong đêm. Mỗi đêm giao thừa như thế, có khoảng 20-30 người trong họ hàng tới chúc tết, không khí thật ấm nồng.

Giờ đây, cha mẹ đã già, con cháu đã lớn nhưng vẫn duy trì thói quen làm thịt heo, gói bánh chưng ngày 28 Tết. Bởi, cha tôi bảo, vất vả nhưng như vậy mới là tết. Khi chúng tôi đã lớn, cứ đến tháng 12, mẹ lại mỏi mòn trông ngóng những đứa con xa. Cha mẹ tôi luôn ở đó để gìn giữ nếp nhà, nét tết, để con cháu đi xa trở về luôn cảm thấy được bé lại, vô tư, hồn nhiên.

Dù mỗi đứa mỗi nơi, nhưng năm nào, chúng tôi cũng hẹn về ăn tết đủ đầy với gia đình. Mùng 3 Tết được chúng tôi mặc định là ngày đoàn tụ. Khoảnh khắc 7 chị em quây quần bên ông bà cha mẹ trong 1 căn phòng trải manh chiếu mỏng rộng 10m2 ngồi kể chuyện đến sáng sẽ chẳng bao giờ có thể phai nhòa trong tâm trí. Tôi nhớ lắm mùi hương nghi ngút, nhớ chén chè đen ngọt ngào, nhớ miếng thịt gà săn săn lạnh lạnh còn ám chút bụi nhang.

Gia đình tôi đã luôn giữ gìn từng nét phong tục đặc trưng như thế để nuôi dưỡng và làm hành trang cho tôi suốt cuộc đời. Mỗi khi vấp ngã, khó khăn, tôi đều biết, mình luôn có một nơi để trở về, có một khoảng thời gian để chữa lành, có một bến đỗ để hy vọng.

Mong rằng, những đứa con xa quê cũng sẽ nghĩ như tôi, chắt chiu từng cái tết để trở về nhà bên gia đình, bên cha mẹ. Bởi, chúng ta đâu biết, sẽ gặp cha mẹ mình được bao nhiêu mùa xuân nữa. Bởi, xã hội đang sống vội và sống nhanh, khi lớp người cũ đã không còn nữa, tôi lo sợ rằng con mình và ngay cả mình cũng sẽ không còn chạm tới văn hóa tết cổ truyền được nữa!

Có thể bạn quan tâm