Xã hội

Gia đình

Tha thứ khó hay dễ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tha thứ chưa bao giờ là dễ dàng, tha thứ cho chính mình để thấy nhẹ lòng, hạnh phúc lại càng khó khăn bội phần. Tha thứ vì thế được xem như là nghệ thuật trong việc nuôi dưỡng tâm hồn. Và có lẽ, nghệ thuật ấy cần được bắt đầu bằng những suy ngẫm hết sức thực tế, đời thường như việc bạn ngồi đây và trả lời câu hỏi: Có bao giờ vì kiềm nén 2 chữ “tha thứ” trong lòng mà bạn phải cảm thán trong ân hận rằng “đã quá trễ rồi!” hay chưa?

Nếu câu trả lời là chưa thì chúc mừng bạn. Bạn thật tuyệt vì trái tim bao dung, rộng lượng và tin chắc bạn luôn được mọi người tôn trọng, yêu quý. Nhưng nếu câu trả lời của bạn là “có” hoặc “nhiều lần rồi” thì có lẽ đã đến lúc nên suy xét và nhìn lại, liệu mình có nên tiếp tục “ôm ấp” 2 chữ ấy để cho lỗi lầm, sự hờn giận ngày một thêm lớn hay không?

 

Ảnh minh họa

Tha thứ thường được hiểu là quên đi, xí xóa cho lỗi lầm của người khác. Bên cạnh đó, tha thứ còn là khái niệm dành cho chính bạn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp cân bằng cảm xúc và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Chính nó là chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy bạn rộng lòng tha thứ cho ai đó khi họ phạm sai lầm. Ngoài ra, tha thứ là khuyến khích bản thân hàn gắn lại những vết thương cũ và bình tâm quan sát chúng đang lành lặn lại mỗi ngày. Cần rất nhiều nỗ lực, dũng cảm để vượt qua cái tôi cá nhân, đối mặt với vấn đề và làm dịu đi những gai góc trong tâm hồn.

Thật khó để nói lời tha thứ nhưng kể cả khi “quá trễ” thì hãy đừng ngăn mình làm điều đó. Nó là bước đầu tiên quan trọng giúp bạn chạm tới “nghệ thuật của sự tha thứ”, kiến tạo cho mình một tâm hồn đẹp đẽ hơn. Dưới đây là vốn liếng để giúp bạn vươn tới nghệ thuật ấy:

Suy nghĩ tích cực: Cuộc sống có hai hướng để lựa chọn, tích cực hay tiêu cực là quyết định của bạn. Khi bạn tích cực, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy cái hay, cái tốt hoặc bài học quý giá ngay trong những lỗi lầm của chính mình và người khác, trái tim vì đó sẽ tự dẫn lối để bạn đến với nấc thang tha thứ.

Mở rộng tấm lòng: Nếu bạn muốn bị “ung thư tâm hồn” hãy cứ bí xị, hờn giận và dằn vặt trước lỗi lầm nhiều vào… Bằng không, hãy nói cho đối phương cảm xúc của bạn ra sao, để người ta còn liệu mà xin lỗi, sửa đổi để “chuộc tội” với bạn. Ngược lại, bạn chỉ cần mở rộng trái tim mình ra để đón nhận “kẻ chạy lại” ấy bằng ánh mắt và nụ cười tha thứ.

Yêu thương mình hơn: Nếu bạn không tự yêu thương mình trước tiên thì ai sẽ thay bạn làm điều đó. Đừng suy diễn hay lo nghĩ gì cả cho đến khi bạn tìm được nguyên nhân sâu xa của những lỗi lầm, lắng nghe tim mình và giải thích từ người gây ra lỗi lầm. Sau đó hãy mạnh mẽ quyết định có tha thứ hay không? Đôi lúc quên đi một mối quan hệ thực sự không tốt, không cần thiết lại chính là cách tha thứ êm đẹp nhất cho trái tim đang tổn thương của bạn và cũng liệu pháp thức tỉnh hay nhất dành cho đối phương.

Cho đi nhiều hơn: Dù có muốn nhận lại hay không thì bản thân sự cho đi đã bao hàm cả việc nhận lại rồi. Bạn cho người ta cơ hội sửa sai, cho đi sự bao dung-rộng lượng, cho đi yêu thương mênh mông và trái tim biết tha thứ của mình là bạn đang nhận về lòng biết ơn, sự cảm kích, tôn trọng và bài học về sự tha thứ mà không trường lớp nào dạy ta.

Trong cuộc sống, tha thứ giống như một món quà quý giá mà bạn tự tặng cho bản thân mình cũng như những người xung quanh. Đỉnh cao của nghệ thuật tha thứ có lẽ là lúc bạn học được cách chấp nhận mọi thứ như nó vốn là, như cái cách mà người Nhật đón nhận mọi điều xảy đến trong cuộc sống của mình: “Người nào mình gặp cũng chính là người cần gặp, việc gì xảy ra cũng chính là việc cần xảy ra”.

Th.S Tâm lý học Lê Minh Huân

Có thể bạn quan tâm