9 giờ sáng nay (9-12), người biểu tình chống Chính phủ sẽ tập trung tại Phủ Thủ tướng Thái Lan.
Phủ Thủ tướng Thái Lan, mục tiêu hàng đầu của những người biểu tình chống Chính phủ |
Trước đó vào cuối giờ chiều 8-12, đảng Dân chủ đối lập tuyên bố toàn bộ Hạ Nghị sĩ đảng này từ chức. Một nghị quyết đầy bất ngờ của đảng Dân chủ đối lập được Chủ tịch đảng Abhisit Vejjajiva công bố: “Toàn bộ Hạ Nghị sĩ đảng Dân chủ tuyên bố từ chức để khẳng định sự tồn tại của Hạ viện hiện nay là không phù hợp”.
Tuyên bố được đưa ra sau động thái thỏa hiệp chiều qua của Thủ tướng Yingluck Shinawatra với đề xuất thành lập Hội đồng nhân dân và Chính phủ nhân dân hoặc giải tán Hạ viện.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thausuban nhấn mạnh: “Chính phủ đề xuất thành lập diễn đàn đối thoại về đề xuất của người biểu tình, nếu các bên không thống nhất được quan điểm chung, sau đó một cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc về đề xuất này được tổ chức. Đây sẽ là lối thoát nhằm giải quyết tận gốc các mâu thuẫn hiện nay tại Thái Lan”.
Tiếp tục khẳng định nội dung đề xuất của người biểu tình là phi lý bởi không thuộc phạm vi điều chỉnh của hiến pháp hiện nay, nhưng đây có thể là bước lùi cuối cùng khi lần đầu tiên, Thủ tướng Yingluck Shinawatra chấp nhận trưng cầu ý dân về yêu sách này, mà theo quy định của Hiến pháp, các bên phải tuân thủ kết quả của cuộc trưng cầu.
Tuyên bố của Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhằm hạ nhiệt cuộc đại biểu tình ngày 9-12, được thực hiện đi đôi biện pháp mời đại diện các Đại sứ quán nước ngoài và báo chí chứng kiến trực tiếp việc chính phủ Thái Lan đối phó hòa bình với người biểu tình.
Trong khi đó, Hạ viện nước này không thể bị giải tán sau tuyên bố 152 Hạ Nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập đồng loạt từ chức cuối giờ chiều 8-12, bởi liên minh đảng cầm quyền vẫn chiếm quá bán số ghế. Chỉ có ý nguyện của người dân Thái Lan qua cuộc trưng cầu ý dân nếu có, hoặc Thủ tướng quyết định- điều mà bà Yingluck Shinawatra cho rằng, không dễ dàng xóa bỏ định chế lập pháp hợp hiến này bởi những yêu sách vô căn cứ.
Theo VOV