Tin tức

"Thần dược" kratom khiến cả thế giới lo ngại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đối với các cơ quan chống ma túy của Mỹ và Indonesia, kratom là một loại thảo dược gây nghiện có tác dụng hướng thần ngang tầm với heroin. Do đó, nó đang làm cơ quan phòng chống ma túy của các quốc gia, trong đó có Mỹ, lo lắng.
"Thần dược" chữa bách bệnh?
Với người thích dùng kratom, họ coi nó là một loại "thần dược" chữa bách bệnh. Người dân ở một ngôi làng tại Indonesia cũng coi nó là dược liệu thần kỳ.
Kratom là một loại cây nhiệt đới có nguồn gốc ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Papua New Guinea. Kratom ngày càng được sử dụng nhiều trên toàn thế giới như một loại thảo dược giảm đau và thay thế cho thuốc giảm đau nhóm opioid. Nó có thể đang được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn ở phương Tây, nhưng ở Tuana Tuha - một ngôi làng phía đông Borneo, Indonesia, kratom được coi là "của trời cho” và sinh kế của họ.
 
Một người trồng kratom ở Indonesia giới thiệu lá và sản phẩm từ lá kratom sau khi chế biến. Ảnh: AFP.
Lá kratom có chứa hợp chất làm thay đổi tâm trí, ảnh hưởng đến não giống như morphin khiến nó trở thành một loại thảo dược phổ biến. Việc sử dụng kratom đang được kiểm nghiệm tại Mỹ vì có hơn 130 người tử vong mỗi ngày do quá liều opioid ở nước này. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo, chống lại việc tiêu thụ kratom mặc dù cơ quan này đã ngừng tuyên bố đây là một chất cấm.
Tại Indonesia, Cơ quan phòng chống ma túy quốc gia (BNN) muốn Bộ Y tế phân loại kratom là một loại chất hướng thần hàng đầu, như heroin và cocaine. Loại tội phạm ma túy nằm trong danh mục các chất cấm này sẽ phải lĩnh án phạt tối đa đến 20 năm tù. "Chúng tôi đang yêu cầu Bộ Y tế phân loại nó là một (chất cấm) đứng hàng đầu. Sự nguy hiểm của kratom gấp 10 lần so với cocaine hay cần sa. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tiến hành thảo luận" - Yunis Farida Oktoris Triana, Phó phòng Phục hồi chức năng tại Cơ quan phòng chống ma túy Quốc gia Indonesia, mới đây cho biết.
Hiệp hội Kratom Hoa Kỳ ước tính, tính đến tháng 6-2019, có 15,6 triệu người dùng kratom ở Mỹ và ngành công nghiệp này có giá trị hơn 1 tỉ USD.
Vào năm 2016, Cơ quan phòng chống ma túy Hoa Kỳ (DEA) đề xuất nâng xếp loại kratom lên độc dược nhóm I, ngang với heroin, LSD và MDMA. Tuy nhiên, có một phản ứng dữ dội nên cuối cùng đề xuất được rút lại, mặc dù vẫn còn lo ngại về các thuộc tính của kratom. Bởi đặc tính hướng thần có thể khiến người dùng có nguy cơ nghiện hoặc bị các tác dụng phụ khác.
 
Gusti Prabu - một người trồng kratom ở Indonesia - có xu hướng chuyển đổi cây trồng. Ảnh: AFP.
Chẳng hạn, tháng trước, một cư dân Florida đã bị bắt sau khi một người đàn ông tàn tật mà anh ta chăm sóc đã chết vì nóng khi ngồi trong chiếc minivan của mình. Người đàn ông Florida này đã ngủ thiếp đi trong nhà sau khi nuốt hai gói bột kratom, cảnh sát Mỹ cho hay.
Ở Mỹ, kratom được coi là bất hợp pháp ở 6 tiểu bang bao gồm Alabama, Wisconsin. Ở Châu Âu thì Ireland, Thụy Điển, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Anh coi là bất hợp pháp, song Đức, Pháp và Tây Ban Nha lại coi là hợp pháp. Ở phương Tây, cũng như ở Indonesia, kratom rất dễ đặt hàng trên mạng và nó được bán dưới dạng bột màu xanh, trà hoặc kẹo cao su.
Hướng chuyển đổi cây trồng nguy hiểm
 Kratom có xuất xứ từ Tuana Tuha, một ngôi làng có 3.000 người, cách thủ phủ Đông Kalimantan của thành phố Samarinda (Indonesia) khoảng 4 giờ lái xe. Những loại cây này, tên địa phương là kedemba, là một phần của các giống cây cà phê và có thể cao tới 7m. Nó đang nhanh chóng trở thành nguồn thu nhập chính của dân làng, thay thế cho dầu cọ và đánh bắt cá. 
"Kratom là những cây dại mọc ở sân sau nhà và trên khắp ngôi làng của chúng tôi. Nơi đây có 1.200ha đất từng dùng để trồng cọ thì nay nó được lấp đầy bằng kratom" - Tommy, một thanh niên 29 tuổi ở làng Tuana Tuha, cho biết. "Ở đây, chúng tôi nói rằng với kedemba, nếu tìm thấy một cái cây thì đồng nghĩa với có tiền" - Tommy nói.
Dân làng Tuana Tuha từng đánh bắt cá để kiếm thêm thu nhập, nhưng không ổn định nên buộc nhiều người trong số họ phải từ bỏ sinh kế này. Vào cuối năm 2017, một người đàn ông đến từ Pontianak - thủ phủ của thành phố lân cận tỉnh Tây Kalimantan - đã đến làng để mua lá kratom. Người này nói những chiếc lá này bán được giá cao ở nước ngoài khiến dân làng hoang mang. Loại cây này được trồng tại Pontianak từ năm 2004, theo người đàn ông nọ.
 
Hai phụ nữ ở làng Tuana Tuha, Đông Kalimantan sàng lá kratom. Ảnh: Resty Woro Yuniar.
Nhiều thế hệ phụ nữ ở làng đã uống nước vỏ cây kratom sau sinh để làm sạch máu bẩn và tăng cường khả năng chữa bệnh. Song họ chưa bao giờ ăn lá, theo Tommy. Vì vậy, dân làng tin người đàn ông nọ khi anh ta nói rằng người nước ngoài sử dụng kedemba làm thảo dược.
Dân làng ban đầu cảm thấy khó khăn trong việc hái lá kratom vì chưa ai dạy họ cách thu hái. Lá kratom rất mỏng và rất khác với các loại cây trồng như lúa, ngô - Iksan Maulana, một trong hàng trăm người chuyên hái kratom ở Tuana Tuha, cho hay. 
"Khi mới bắt đầu việc này, tôi mới chỉ hái được 50kg mỗi ngày vì không biết cách nên tôi đã hái từng lá một. Tôi rất sợ trèo cây, nhưng tôi phải làm điều đó để lấy được lá. Tôi nhanh chóng học được cách hái lá đúng trong 3 ngày. Tôi cũng "ngộ" ra rằng những chiếc lá già dễ hái hơn những chiếc lá non" - nam thanh niên 24 tuổi nói.
Hiện Iksan có thể hái được 200kg lá mỗi ngày. Theo đó, anh kiếm được 400.000 rupiah/ngày (28 USD/ngày). Mỗi ngày anh làm việc 7 tiếng. "Với nghề đánh bắt cá, cả ngày tôi phơi mình dưới nắng, cháy da cháy thịt song không thể biết được sẽ thu nhập bao nhiêu" - Iksan cho biết. Với việc hái lá, Iksan vẫn phải trần mình dưới nắng, song không tệ bằng đánh bắt cá. Kedemba giống như một cái cây hái ra tiền. Tất cả những gì cần làm là bạn đi tìm cây.
Ngôi làng này đạt sản lượng thu hoạch cao nhất từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, khi có tới 300 người hái lá, từ đó thu được tới 50 tấn là kratom mỗi tháng. Doanh thu đạt được 1 tỉ rupiah (70.600 USD).
Dưới cái nóng như thiêu như đốt của Borneo, chỉ sáu giờ là lá khô. Sau đó, lá được cho vào xay. Bước cuối cùng là lọc lá với xơ, cành riêng ra. Số lá xay này được đóng bao tải chuyển tới những người mua và người xuất khẩu ở Tây Kalimantan. Trong khi những người ở Tuana Tuha vẫn còn sống nhờ vào việc hái lá kratom thì ở làng Sebelimbingan, cách ngôi làng này 36km, nông dân bắt đầu trồng cây.
 
Iksan Maulana (24 tuổi) - một trong hàng trăm người dân làng Tuana Tuha đã từ bỏ việc đánh bắt cá để đi hái lá kratom. Ảnh: Resty Woro Yuniar.
Sauqani (44 tuổi) đã trồng 17.000 cây kratom trên một mảnh đất rộng 2ha cách đây 6 tháng. Ông Sauqani hy vọng sẽ thu hoạch được tới 5 tấn lá kratom khô vào cuối năm nay - đó là kết quả tốt đối với vụ thu hoạch đầu tiên. "Một người mua ở Pontianak nói với tôi rằng, việc kinh doanh kratom rất hứa hẹn vì giá cao, chu kỳ sản xuất rất nhanh. Chúng tôi có thể thu hoạch 8 tháng sau khi trồng. Chu kỳ thu hoạch của nó nhanh hơn các loại cây trồng khác, ví dụ cọ dầu phải mất 6 năm mới có thể thu hoạch" - ông Sauqani nói.
Ông Sauqani cho biết, ông dự kiến làng ông sẽ sản xuất tới 20 tấn kratom mỗi tháng. Ông mong muốn trở thành một nhà xuất khẩu kratom trong vài năm tới, với mục tiêu có hơn 100ha đất canh tác. Ông đang xây dựng một cơ sở sấy khô lá trong nhà và một máy nghiền để đáp ứng yêu cầu về vệ sinh của người dùng nước ngoài cũng như đòi hỏi của chính người mua.
Việc khiến người dùng nước ngoài và các cơ quan quản lý an tâm sẽ rất quan trọng đối với những nông dân như ông Sauqani. Bởi FDA đã tìm thấy một mức độ nhất định kim loại nặng và vi khuẩn salmonella trong một số kratom bị nhiễm độc.
Tính hợp pháp mơ hồ của kratom có thể đặt tương lai của dân làng ở Tuana Tuha và những nông dân ở Sebelimbingan vào tình trạng bấp bênh. Tuana Tuha chỉ sản xuất lá kratom khi có nhu cầu từ Tây Kalimantan khiến những người hái lá và thợ nghiền thất nghiệp hầu hết các tháng trong năm.
 
Ông Sauqani đứng cạnh một cây kratom trong sân nhà mình. Ảnh: Resty Woro Yuniar.
Ở Sebelimbingan, kế hoạch dự kiến hình sự hóa việc sử dụng kratom của Cơ quan chống ma túy quốc gia Indonesia đã khiến ông Sauqani đặt câu hỏi đối với tương lai đồn điền kratom của mình. 
"Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo với chính phủ rằng kratom sẽ không bị lạm dụng ở Indonesia. Nếu nó bị lạm dụng ở Mỹ, thì nông dân Indonesia không chịu trách nhiệm. Hãy nhìn vào thuốc lá. Rõ ràng, nó gây ra bệnh ung thư và tim, nhưng thuốc lá vẫn được bày bán tự do - ông Sauqani nói.
Hiện trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ, kratom đã là tâm điểm của nhiều tranh luận gay gắt xoay quanh câu hỏi: Kratom là thực phẩm chức năng hay thuốc gây nghiện? Nên cho dùng hay cấm đoán? Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến bày tỏ là phải có chính sách kiểm soát với loại cây có chất gây nghiện này.
Huyền Anh (An ninh thế giới Online)

Có thể bạn quan tâm