Đờn ca tài tử (ĐCTT) có mặt ở Nam bộ từ hơn 100 năm nay, nó như mạch nguồn nuôi sống tâm hồn con người nơi đây. Đó là món ăn tinh thần gắn bó máu thịt với người dân phương Nam ở tính hào sảng, phóng khoáng, chân chất của người lao động nông thôn chịu thương chịu khó, nhưng cũng đầy máu “nghệ sĩ”.
ĐCTT đã tạo ra sức sống nội tại nhưng cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong điều kiện hiện nay. Thị hiếu thẩm mỹ của thời đại có nhiều thay đổi, nghệ thuật truyền thống nói chung đang dần mai một, khó tìm ra chỗ đứng như ngày xưa.
Nghệ thuật ĐCTT đang tìm hướng đi mới nhưng vẫn loay hoay. Một số điểm du lịch như cù lao Thới Sơn (Tiền Giang), nhà cổ Cái Bè (Tiền Giang)… duy trì biểu diễn trong các tour du lịch như một cách làm hấp dẫn, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất phương Nam. Vài năm gần đây, đường hoa bến Bình Đông (quận 8) vào dịp gần tết thường tổ chức những thuyền ĐCTT nhằm phục vụ nhân dân khi đến mua sắm hoa kiểng. Hay liên hoan các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam ở phố đi bộ Nguyễn Huệ cách đây mấy năm đều thu hút sự thưởng lãm của công chúng, nhưng những hoạt động đó vẫn còn quá ít ỏi.
Việc bảo tồn di sản ĐCTT hay các loại hình nghệ thuật truyền thống về cơ bản phải đến từ chính sách của Nhà nước. Đó là sự hỗ trợ kinh phí, đào tạo về chuyên môn, tổ chức các liên hoan, vinh danh nghệ nhân… Hoạt động biểu diễn các loại hình này hiện chỉ được xem như nghề tay trái, nghệ sĩ không sống được bằng chính nghề, nên rất khó có sự đầu tư thích đáng, dù họ rất tâm huyết. Các nghệ nhân rất tâm tư khi phải đi biểu diễn ở các quán nhậu, mà khán giả thường chỉ thích nghe vọng cổ, nhạc bolero, tân nhạc.
Nơi nào được quan tâm thì nơi đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống có điều kiện phát triển hơn. Nhạc viện TPHCM vẫn chưa có chuyên ngành riêng trong việc đào tạo loại hình này. Việc đưa ĐCTT vào biểu diễn hoặc dạy trong giờ học ngoại khóa ở trường phổ thông là hướng đi thích hợp, góp phần tạo ra thế hệ công chúng mới nhưng nội dung cần phù hợp theo lứa tuổi. Tổ chức thí điểm mở lớp tìm hiểu và dạy ca tài tử cho học sinh một số trường tiểu học hay mở lớp dạy ca tài tử tại các huyện của Bạc Liêu là những thể nghiệm đáng quý trong việc tạo ra công chúng mộ điệu loại hình nghệ thuật này.
Các liên hoan ĐCTT cần duy trì thường xuyên như dịp tôn vinh giá trị nghệ thuật này và cũng nên có hội thảo khoa học trong dịp liên hoan để tổng kết, đánh giá, nhìn nhận lại sự phát triển và đưa ra những hướng đi của ĐCTT trong những điều kiện mới. Cũng cần thực hiện các đề tài nghiên cứu, biên soạn sách, lập trang web (tiếng Việt, tiếng Anh) phổ biến kiến thức về ĐCTT đến mọi tầng lớp công chúng, kể cả dành cho người nước ngoài, bởi nó đã là di sản của thế giới.
Đưa ĐCTT vào trong du lịch là hướng đi đúng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, tăng thêm thu nhập cho nghệ nhân và giới thiệu nghệ thuật này đến với rộng rãi công chúng. Tại sao chúng ta không tổ chức các buổi biểu diễn ĐCTT trên thuyền ở bến Bạch Đằng, kết hợp với việc phục vụ ẩm thực dân gian, bán hàng lưu niệm, tạo ra không gian hưởng thụ văn hóa đa dạng? Nhà hát thành phố hay phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là những sân khấu ngoài trời thích hợp cho loại hình biểu diễn này vào dịp cuối tuần.
Chính sách cho nghệ nhân hiện nay vẫn là rào cản cho việc phát triển ĐCTT. Họ cần được quan tâm hơn nữa với chế độ đãi ngộ, vinh danh, được tạo điều kiện biểu diễn, có thu nhập đủ sống. Cả nghệ nhân đờn cũng cần được vinh danh xứng đáng, bởi chính họ là những nghệ sĩ bậc thầy trong việc gìn giữ các ngón đờn và bỏ công sức lao động không kém trong các buổi biển diễn.
ĐCTT cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác ở nước ta đang đứng trước những thách thức trên con đường hội nhập và phát triển, đòi hỏi sự thích ứng của nó với những giải pháp đồng bộ, mà Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc gìn giữ di sản này.
NGUYỄN THANH LỢI, Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ
(Dẫn nguồn SGGPO)