Sáng 23-8, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ tổng kết và trao giải 3 cuộc thi cấp tỉnh, trong đó có 2 cuộc thi cổ súy cho văn hóa đọc gồm: “Giới thiệu sách trực tuyến” và “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2022.
Sau 1 năm ngừng trao giải trực tiếp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, buổi lễ đã diễn ra với tất cả niềm háo hức, mong chờ của những người tham dự. Với cuộc thi “Giới thiệu sách trực tuyến”, từ 157 video dự thi vòng chung kết cấp tỉnh, Ban tổ chức đã chọn lựa trao giải cho 5 tập thể và 25 cá nhân. Ngoài ra, 15 bài dự thi xuất sắc nhất được Ban tổ chức lựa chọn tham gia cuộc thi cấp toàn quốc. Trong khi đó, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tiếp tục thể hiện sức hút với 29.411 bài tham gia dự thi của học sinh 166 trường học trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh tôn vinh 4 tập thể và 72 cá nhân xuất sắc, Ban tổ chức cũng chọn 20 bài dự thi gửi về Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch để tham gia cuộc thi cấp toàn quốc.
Là 1 trong 5 thí sinh đạt giải nhất cuộc thi “Giới thiệu sách trực tuyến”, em Võ Phương Trinh-học sinh lớp 3.1, Trường Tiểu học Bùi Dự (TP. Pleiku) chia sẻ: Tác phẩm em chọn để làm clip giới thiệu trực tuyến là tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Đây là tác phẩm không dễ tiếp nhận đối với lứa tuổi thiếu nhi do có nhiều chi tiết lịch sử, song nhờ có cha mẹ cùng đọc sách và hỗ trợ một số khâu kỹ thuật khi làm clip nên em đã xuất sắc giành giải nhất. Trinh bày tỏ, em thích thú nhất với những đoạn viết về Anh hùng Núp cùng dân làng đánh Pháp. Qua clip giới thiệu sách này, em mong muốn giúp bạn bè hiểu thêm về vị anh hùng được ví như cánh chim đầu đàn của phong trào cách mạng Tây Nguyên, đồng thời ngày càng yêu thích việc đọc sách.
Được trao giải nhất nội dung “Chia sẻ cảm tưởng hay nhất” tại cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, em Nguyễn Minh Châu (lớp 11A1, Trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa) cho biết: Cuốn sách em chọn giới thiệu là tiểu thuyết “Chiến binh cầu vồng” của tác giả Andrea Hirata. Xuất bản lần đầu vào năm 2005, đến nay, tác phẩm đã được dịch sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với lượng tiêu thụ lên đến hơn 5 triệu bản. Châu cho hay: “Khi gấp sách lại, ấn tượng lớn nhất với em chính là nỗ lực của các bạn học sinh tại vùng quê nghèo ở Indonesia. Dù trong hoàn cảnh sống cực kỳ khó khăn, khắc nghiệt, các bạn vẫn vươn lên như những chiến binh”. Bất ngờ với giải thưởng được trao, Châu kể, mặc dù Trường THPT Chu Văn An đứng chân trên địa bàn khó khăn nhất tỉnh nhưng các thầy-cô giáo thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến đọc, giới thiệu sách, từ đó gieo tình yêu với sách đến học trò.
Cũng thiết thực góp phần lan tỏa văn hóa đọc là bài dự thi đạt giải nhất nội dung “Bài thơ khuyến đọc hay nhất” của 2 em Trần Ngọc Bảo Châu-Võ Khánh Huyền (lớp 6.3, Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Đak Đoa) có tên “Bạn của chúng ta”. Đó là những câu thơ thật nhẹ nhàng mà sâu sắc: “Sách mở ra muôn vàn điều mới lạ/Hãy đọc đi bạn sẽ biết ngay mà/Từng dòng trang chứa bao tình ý lạ/Miệt mài đọc, cần mẫn sẽ nhận ra (…)/Dẫu cuộc đời có muôn vàn trắc trở/Đọc sách rồi ta sẽ thấy nhẹ tênh/Dẫu mai này đời có là bể khổ/Có sách rồi đời sẽ nhẹ như tơ (…)/Trang sách quý chứa bao điều kỳ bí/Trí hơn người, bạn hãy đọc sách đi/Gói mộng ước và bao điều phía trước/Sách theo cùng để ta mãi bay xa”.
Những năm qua, với sự chung tay của các cá nhân, tổ chức và cả xã hội, văn hóa đọc đang ngày càng được quan tâm sâu sắc, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Môi trường giúp hình thành và phát triển văn hóa đọc không đâu tốt bằng gia đình. Ý thức rõ điều đó nên anh Võ Ngọc Châu-bố của em Võ Phương Trinh đã chủ động mua cho con nhiều sách thiếu nhi ngay từ khi cháu còn nhỏ. Anh Châu chia sẻ: Khi con gái dự thi “Giới thiệu sách trực tuyến”, không chỉ cùng con đọc tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”, anh chị còn mở bộ phim cùng tên cho con xem để hiểu rõ hơn những chi tiết lịch sử thời chống Pháp. “Bệ phóng” gia đình cùng tình yêu với sách đã giúp Trinh giành giải cao nhất của cuộc thi.
Cũng với mong muốn phát triển văn hóa đọc và tạo cơ hội gắn kết tình cảm gia đình, từ tháng 5-2022, cô Đinh Thị Phương Chi-giáo viên Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) đã thành lập Câu lạc bộ “Cùng con đọc sách tinh hoa”. Vào thứ hai, tư và sáu hàng tuần, khoảng 25-30 em thiếu nhi và phụ huynh tại thị trấn Chư Sê lại háo hức đến hội trường tổ dân phố 9 để đọc sách trong “Giờ đọc hạnh phúc”. Mỗi giờ đọc có một chủ đề khác nhau như: khiêm tốn, biết ơn, thấu hiểu, hiếu thảo… giúp các em tự nâng cao nhận thức để ngày một trưởng thành.
Như mạch nước ngầm, văn hóa đọc đang lan tỏa sâu rộng đến cả vùng sâu, vùng xa. Nhằm khơi dậy tình yêu sách trong đoàn viên, thanh niên, năm 2019, Đoàn xã Ia Tul (huyện Ia Pa) đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp để lắp đặt “Tủ sách thanh niên”. Anh Nay Thiên-Bí thư Đoàn xã-thông tin: Từ đó đến nay, tủ sách với hơn 200 đầu sách nhiều thể loại như: pháp luật, khởi nghiệp, gương người tốt-việc tốt, hôn nhân gia đình… đã góp phần giúp các bạn trẻ mở mang kiến thức, trau dồi kỹ năng, bồi dưỡng những giá trị sống tốt đẹp.
Đặc biệt, góp công lớn lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc chính là các trường học trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông về kết quả tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, có 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tham gia với các hoạt động như: tổ chức hội thảo và các hoạt động trải nghiệm về sách, thi xếp sách nghệ thuật, vẽ tranh theo sách, tặng sách cho các trường học vùng sâu, vùng xa…
Mặt khác, hàng năm, khi cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” được phát động, đa số các trường đều hưởng ứng nhiệt tình. Tại cuộc thi năm 2022, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (huyện Ia Grai) đã vinh dự được trao giải “Trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất”. Trong số 10 giải mà học sinh nhà trường “gặt hái” được có 2 giải nhất, 3 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Niềm tự hào càng nhân lên khi trường có 3/20 bài thi được chọn tham gia cuộc thi cấp toàn quốc. Qua câu chuyện với cô Đinh Thị Dua-Hiệu trưởng nhà trường, có thể thấy đây là kết quả của một quá trình đầu tư lâu dài, có chiều sâu. Cô Dua cho hay, để gieo niềm hứng thú đọc sách cho học sinh, nhà trường chú trọng đầu tư cho hệ thống thư viện, từ thư viện di động ở từng lớp, thư viện cầu thang, thư viện xanh ở sân trường đến thư viện chính. Ngoài vận động đóng góp để làm phong phú các thể loại, đầu sách, nhà trường còn thường xuyên luân chuyển sách giữa các lớp, các khối. “Tới đây, trong lễ khai giảng năm học mới, nhà trường sẽ biểu dương, khen thưởng các em đạt giải tại cuộc thi cũng như những giáo viên tâm huyết với sách”-cô Dua chia sẻ.
Cũng không thể không kể đến những cố gắng không mệt mỏi với nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa đọc của hệ thống thư viện tỉnh, huyện. Đáng chú ý, trong tháng 6 và 7-2022, Thư viện tỉnh đã mở chương trình “Trang sách mùa hè” với chuỗi hoạt động lý thú: phục vụ đọc sách tự chọn; tổ chức xe lưu động phục vụ độc giả vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn độc giả nhỏ tuổi kỹ năng giới thiệu sách, kể chuyện bằng các hình thức thu âm, quay và dựng video... Thư viện càng là điểm đến hấp dẫn của các em thanh thiếu nhi khi tổ chức được những buổi sinh hoạt tập thể và trò chơi trí tuệ sau giờ đọc sách như: cờ vua, cờ vây, cờ cá ngựa, ô ăn quan…
Đầu năm 2022, không ít người cũng đã vô cùng xúc động khi chứng kiến sách đến với những độc giả đặc biệt-các phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam Gia Trung. Có tổng cộng 2.200 cuốn sách về pháp luật và kỹ năng sống đã được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Câu lạc bộ “Vòng tay yêu thương” TP. Pleiku trao tặng những người một thời lầm lỡ. Đây đều là những tựa sách hướng thiện, rất đáng đọc và ngẫm ngợi như: “Sức mạnh của sự tử tế”, “Muôn kiếp nhân sinh”, “100 gương hiếu”, “Tranh nhân-quả”, “Chuyển họa thành phúc”… Thiếu úy Lê Tuấn Thành-cán bộ Công an tỉnh Gia Lai, người đã vận động thông qua mạng xã hội để thực hiện dự án trên-kỳ vọng: “Sau những giờ lao động và rèn luyện, các phạm nhân sẽ được đọc sách để vừa giải trí, vừa có cơ hội trải nghiệm nhiều bài học hoặc trau dồi thêm kỹ năng ứng xử, nuôi dạy con, cách làm ăn... Đây là điểm tựa vững chãi để mai này khi tái hòa nhập, họ có thể làm lại cuộc đời”.