Tin tức

Thế giới có trên 12,8 triệu ca mắc, 568.000 ca tử vong do COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tính đến 21h ngày 12/7 (giờ Việt Nam), tổng cộng hơn 12,88 triệu người trên thế giới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 568.000 ca tử vong.
Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nghĩa trang ở New Delhi, Ấn Độ ngày 6/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nghĩa trang ở New Delhi, Ấn Độ ngày 6/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Hơn 7,5 triệu bệnh nhân COVID-19 trên thế giới đã phục hồi và còn khoảng hơn 4,8 triệu người vẫn đang được điều trị, trong đó tỷ lệ các ca bệnh nặng và nguy kịch là gần 1%.
Theo thống kê của trang  mạng worldometers.info, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động năng nề nhất thế giới với hơn 3,35 triệu ca mắc, trong đó có hơn 137.000 ca tử vong. Thống kê riêng rẽ của Đại học Johns Hopkins cho thấy Mỹ ghi nhận thêm 66.528 ca trong vòng một ngày tính đến sáng 12/7 (theo giờ Việt Nam). Đây là số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất ở Mỹ kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong 5 ngày gần đây, Mỹ có tới 4 ngày chứng kiến số ca mắc trong 24 giờ ở mức trên 60.000 ca. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, ngày 12/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu tiên đeo khẩu trang xuất hiện trước công chúng, trong chuyến đi tới bệnh viện quân y Walter Reed ở ngoại ô thủ đô Washington để gặp gỡ các cựu chiến binh đang điều trị tại đây.  
Tại châu Âu, Hungary thông báo áp dụng các biện pháp hạn chế mới với hoạt động đi lại qua biên giới từ ngày 14/7 tới, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh sau khi số ca mắc mới tại một số quốc gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo đó, các công dân Hungary trở về từ những quốc gia có nguy cơ dịch bệnh cao, ở các thang đánh giá nguy cơ "vàng" và "đỏ", sẽ được kiểm tra y tế tại biên giới và sẽ được cách ly 14 ngày kể cả khi không mắc bệnh. Những người có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus 5 ngày trước khi nhập cảnh sẽ không phải thực hiện những quy định này. Người nước ngoài đến từ các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh ở mức "vàng" sẽ phải tuân thủ những quy định tương tự. Còn lại, những người nước ngoài đến từ quốc gia có nguy cơ dịch bệnh ở mức "đỏ" sẽ không được phép nhập cảnh. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa hoặc trung chuyển con người, các chuyến đi công tác tới Hungary, được miễn áp dụng các quy định trên nhưng vẫn có khả năng phải trải qua quá trình kiểm tra y tế tại biên giới.
Vùng Andalusia ở miền Nam Tây Ban Nha sẽ trở thành vùng thứ 4 ở nước này quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, cả ở không gian trong nhà và ngoài trời. Quy định này, có hiệu lực từ ngày 14/7 tới, được đưa ra nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong bối cảnh xuất hiện các ổ dịch lớn tại nhiều khu vực trên cả nước. Trước Andalusia, các vùng Catalonia, Extremadura và quần đảo Balearic đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Trong khi đó, tại Pháp, nhóm 14 bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau đã kêu gọi chính phủ nước này ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn trong vấn đề đeo khẩu trang. Trước thực trạng nhiều người dân Pháp bắt đầu lơ là thực hiện các khuyến cáo phòng dịch cơ bản như giữ khoảng cách xã hội, các bác sĩ khuyến cáo thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi cộng cộng, kể cả ở bên trong các tòa nhà, cũng như giữ khoảng cách an toàn với người xung quanh và rửa tay thường xuyên. 
Tại Australia, ngày 12/7, bang Victoria phát hiện thêm 273 ca mắc mới, đánh dấu tròn một tuần bang đông dân thứ 2 ở nước này ghi nhận số ca bệnh trong ngày ở mức 3 con số. Phát biểu họp báo, Thống đốc bang Daniel Andrews cảnh báo bang Victoria đang trong "giai đoạn nguy hiểm", đồng thời khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch và hạn chế ra khỏi nhà. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp ở bang Victoria, 7 bang và vùng lãnh thổ khác của Australia đã cấm những người đến từ Victoria để ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Tại châu Á, chỉ trong một ngày, Ấn Độ phát hiện thêm 28.637 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao nhất tính theo ngày, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia lên 849.553 người, trong đó có 22.674 trường hợp tử vong. Hiện Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm và thứ 8 về số ca tử vong. Do nóng lòng muốn khởi động nền kinh tế bị tê liệt do dịch bệnh và đưa hàng triệu người dân quay trở lại làm việc, Chính phủ Ấn Độ đầu tháng 6 vừa qua đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa với 1,3 tỷ dân được áp đặt hồi tháng 3. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh các ca nhiễm mới đã buộc một số bang và thành phố công nghiệp lớn tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Sau 5 ngày liên tiếp không phát hiện thêm ca mắc COVID-19, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc  đã nới lỏng các hạn chế đi lại được áp đặt sau khi bùng phát ổ dịch tại khu chợ bán buôn Tân Phát Địa hồi đầu tháng 6. Theo đó, người dân từ các khu vực có nguy cơ rủi ro thấp có thể tự do ra vào Bắc Kinh. Theo thông báo mới nhất của Ủy ban Y tế Bắc Kinh hôm 12/7, tổng số ca nhiễm tại thành phố, kể từ khi cụm dịch mới được phát hiện tại chợ đầu mối Tân Phát Địa ngày 11/6, hiện là 335. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) đã công bố báo cáo cho biết tình hình dịch bệnh liên quan tới chợ đầu mối này đã được kiểm soát hiệu quả.         
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo thông báo thêm 206 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp thành phố này ghi nhận hơn 200 ca mắc mới/ngày. Tới nay, thủ đô của Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 7.927 ca mắc bệnh, chiếm khoảng 1/3 tổng cố ca mắc trên cả nước. Hiện người dân và giới chức Tokyo đang ngày càng lo ngại nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai tại thành phố có 14 triệu dân này. 
Hàn Quốc thông báo từ đầu tuần tới, quốc gia này sẽ yêu cầu những khách nhập cảnh đến từ một số quốc gia bị đánh giá là rủi ro cao về dịch bệnh phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với virus. Theo website của các Sứ quán Hàn Quốc tại nước ngoài thì danh sách quốc gia bị đánh giá rủi ro cao gồm Bangladesh, Pakistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan.  Hàn Quốc đang chứng kiến số ca nhiễm "nhập khẩu" gia tăng đáng lo ngại từ trung bình 6 ca/ngày hồi tháng 5 lên 11 ca/ngày trong tháng 6 còn tháng 7 này con số đó đã nhảy lên 20 ca/ngày. Đặc biệt, khách nhập cảnh từ 4 quốc gia kể trên có tỷ lệ nhiễm cao. 
Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 15 trường hợp mắc COVID-19 trong ngày qua, là những công dân Campuchia trở về nước từ Saudi Arabia hôm 10/7. Do tình hình dịch bệnh tại Campuchia có nhiều dấu hiệu tích cực, Thái Lan đã bắt đầu mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới tại tỉnh Sa Kaeo để phục vụ các thương nhân Campuchia trong 5 giờ mỗi ngày, trong bối cảnh các chợ vùng biên bên phía Thái Lan dần trở lại kinh doanh. 
Trong khi đó, dịch vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia. Quốc gia này ghi nhận thêm 1.681 ca mắc bệnh trong 1 ngày qua, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 75.699 người. Số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng thêm 71 ca lên 3.606 ca. Hiện Indonesia là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, quốc gia này mới phát hiện một ổ dịch liên quan tới một học viện quân sự, ghi nhận gần 1.300 người có kết quả dương tính với virus. Trong số 1.280 ca được xác nhận nhiễm virus, có 991 học viên còn lại là các nhân viên nhà trường và người thân trong gia đình.
Theo Lê Ánh (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm