Tin tức

Thế giới động vật: Phát hiện con chim cực hiếm với cơ thể nửa đực, nửa cái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Con chim mỏ to ngực hồng lưỡng tính có bộ lông chia thành nửa đực, nửa cái, được phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Powdermill.

Con chim mỏ to ngực hồng lưỡng tính này mang bộ lông chia thành 2 phần riêng biệt - bên trái nửa cái, bên phải nửa đực. Ảnh: Science News
Con chim mỏ to ngực hồng lưỡng tính này mang bộ lông chia thành 2 phần riêng biệt - bên trái nửa cái, bên phải nửa đực. Ảnh: Science News


Theo Science News, con chim mỏ to ngực hồng (Pheucticus ludovicianus) này có đốm vú màu hồng, lông đen và phần mặt dưới của cánh phải có màu hồng - những màu sắc đặc trưng của con đực. Tuy nhiên, ở phía bên trái, con chim có bộ lông màu vàng và nâu, màu sắc đặc trưng của con cái.

Chuyên gia Annie Lindsay, quản lý chương trình đeo vòng tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Powdermill ở Rector, Mỹ, là người đã phát hiện ra con vật vào ngày 24.9.

“Phát hiện này thật ngoạn mục. Con chim này đang mang bộ lông không phải của mùa sinh sản. Mùa xuân mới là mùa sinh sản của nó. Lúc đó, ranh giới giữa nửa đực và nửa cái sẽ trở nên rõ ràng hơn”, bà Lindsay cho biết.

Theo bà Lindsay, những con chim này như vậy rất hiếm và bà mới chỉ nhìn thấy một con chim khác tương tự nhưng màu sắc không rõ ràng như này cách đây 15 năm.

Chứng lưỡng tính được tìm thấy ở nhiều loài chim, côn trùng và động vật giáp xác như cua và tôm hùm. Con chim này có thể là kết quả của một quá trình bất thường khi hai tinh trùng thụ tinh cho trứng có hai nhân thay vì một. Sau đó, trứng có thể phát triển nhiễm sắc thể giới tính đực ở một bên và nhiễm sắc thể giới tính cái ở bên còn lại, cuối cùng một con chim ra đời với các đặc điểm nửa đực và nửa cái.

Các nhà khoa học không biết liệu những con chim này cư xử giống đực hay cái hơn, hoặc liệu chúng có thể sinh sản hay không. Nhà sinh vật học Arthur Arnold của Đại học California, Los Angeles, đã nghiên cứu một con chim sẻ vằn lưỡng tính sử dụng tiếng hót và hành vi của con đực để thu hút con cái. Nhưng, những nghiên cứu như vậy rất khó khăn vì các sinh vật này rất hiếm.

Trong 64 năm đeo vòng các loài chim, Trung tâm Nghiên cứu chim của Khu bảo tồn thiên nhiên Powdermill đã ghi nhận chưa đầy 10 loài chim như vậy.

Sau khi phát hiện ra con chim này, bà Lindsay và các đồng nghiệp đã mang loài chim mỏ to ngực hồng đến phòng thí nghiệm, đo sải cánh của nó và nhổ 4 chiếc lông để lấy ADN nhằm phục vụ cho các nghiên cứu trong tương lai.

https://laodong.vn/the-gioi/the-gioi-dong-vat-phat-hien-con-chim-cuc-hiem-voi-co-the-nua-duc-nua-cai-842924.ldo

Theo HỒNG HẠNH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm