Xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) nằm cách trung tâm TP. Pleiku chỉ vài cây số nên đất đai nơi đây luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài tỉnh. Không chỉ thuận lợi về vị trí địa lý, những thông tin hành lang về việc sáp nhập xã Ia Dêr vào TP. Pleiku, rồi việc triển khai Dự án Khu du lịch văn hóa cao nguyên đồi thông đã góp phần đẩy giá đất khu vực này lên cao.
Còn tại khu vực xã Glar (huyện Đak Đoa), nơi từng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh cách đây vài năm thì hiện tại, các giao dịch cũng tạm thời đóng băng. Ông Phan Tấn Lân-công chức Địa chính-Xây dựng xã Glar-cho biết: “Mặt bằng giá đất trên địa bàn xã đang chững lại. Từ khi có thông tin về việc chấm dứt di thực cây thông ở Dự án sân golf Đak Đoa của Tập đoàn FLC thì giao dịch gần như bị đứng luôn. Qua nắm tình hình cho thấy, một số nhà đầu tư ôm “hàng” lúc giá cao, giờ muốn bán bớt để rút vốn trả nợ ngân hàng nhưng chưa bán được. Đất xung quanh khu vực Dự án sân golf hầu hết đã có chủ và chủ yếu mua qua bán lại hoặc đầu tư “lướt sóng” nên đa phần để trống cỏ mọc đầy”.
Trong khi đội ngũ môi giới, nhà đầu tư “lướt sóng” bị mắc kẹt bởi đất đã bị neo giá quá cao thì một số nhà đầu tư trung hạn và dài hạn vẫn đang tiếp tục rót tiền vào những khu vực, vị trí được đánh giá có tiềm năng sinh lời trong tương lai gần. Chia sẻ về quyết định mua đất trong thời điểm hiện nay, bà Nguyễn Thị Nga (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho biết: “Cách đây khoảng 1 tháng, tôi đã mua thêm 2 lô đất tại xã Ia Dêr để đầu tư dài hạn. Mặc dù thị trường nhìn có vẻ lặng sóng song giá đất tại khu vực này không giảm mấy so với thời điểm tháng 3, tháng 4. Trong khi đó, giá đất tại một số khu vực khác như xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) lại đang có xu hướng giảm do nhà đầu tư lo ngại trước thông tin dự án tại đây đã bị thu hồi”.
Chỉ vài ba tháng trước đây, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bưu điện huyện Đak Đoa luôn trong tình trạng quá tải vì số lượng người đến giao dịch tăng đột biến, trung bình mỗi ngày có đến 120-150 hồ sơ liên quan đến đất đai. Để giải quyết các giao dịch cho người dân, UBND huyện Đak Đoa phải chỉ đạo Bưu điện mở thêm 1 quầy giao dịch, tăng thời gian giao dịch thêm ngày thứ bảy và tăng thời gian tiếp nhận, trả hồ sơ trong ngày. Đồng thời, huyện tăng cường cán bộ chuyên môn của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện đến hỗ trợ. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, trung bình mỗi ngày chỉ nhận 60 đến 80 hồ sơ liên quan đến đất đai.
Bàn về nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Gia Lai đang có xu hướng chững lại, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng có nhiều yếu tố tác động trực tiếp lẫn gián tiếp. Trước hết là do các nhà đầu tư ngoại tỉnh đã “tạo sóng” thị trường đẩy giá đất vùng ven, đất rẫy lên cao bất thường trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư đất thổ cư rất nhiều song các giao dịch chủ yếu là đặt cọc và hẹn 2-3 tháng sau khi đầy đủ pháp lý thì mới đi làm hợp đồng công chứng. Do đó, đa phần các giao dịch bị chậm lại. Tuy nhiên, theo dự báo tình hình thị trường, trong thời gian cuối năm, số lượng hồ sơ giao dịch đất đai sẽ tăng mạnh trở lại, nhất là sau khi bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 và bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được tỉnh ban hành.
Theo nhận định của giới đầu tư, giá đất tại một số khu vực, vị trí đã giảm 10-30% so với thời gian cao điểm. Nhiều khả năng từ đây đến cuối năm 2022, khả năng thanh khoản thấp sẽ buộc nhà đầu tư “lướt sóng” phải “xả hàng” thì mới có cơ hội cho những người có nhu cầu đầu tư thực sự với định hướng đầu tư trung hạn và dài hạn. Ông Phạm Vân Đài-Giám đốc Công ty cổ phần Thế giới nhà đất.VIP (201 Lê Duẩn, TP. Pleiku) cho rằng: “Hiện nay, giá đất trên thị trường đang có xu hướng giảm so với mấy tháng cao điểm trước đây. Tuy nhiên, khả năng đầu ra lại hạn chế vì những nhà đầu tư nội tỉnh có sẵn dòng tiền nhàn rỗi, có nhu cầu đầu tư dài hạn thì đang thận trọng nghe ngóng thông tin, đánh giá tình hình. Còn đối với các giao dịch hiện hữu, đa phần đã được đôi bên xác lập cọc 2-3 tháng trước”. Cũng theo phân tích của ông Đài, khi thị trường tạm chững lại và biểu đồ giá đất đang đi ngang cũng là lúc các nhà đầu tư chuyên sâu tập trung tìm kiếm khai thác nguồn hàng giá tốt, có dư địa phát triển nhằm chuẩn bị cho thời điểm kinh doanh thích hợp.
Trong bối cảnh thị trường đang chững lại, Công ty BSO tập trung đi vào các sản phẩm phân khúc giá 400-700 triệu đồng/lô, phù hợp với nhu cầu đại đa số khách hàng. Vì thế, các sản phẩm thuộc phân khúc này vẫn giao dịch đều, không bị ảnh hưởng bởi tình hình chung hiện nay.
Theo thông tin từ Chi cục Thuế TP. Pleiku, liên quan đến lĩnh vực đất đai, từ tháng 3 đến hết tháng 7 năm nay, Chi cục đã tiếp nhận và thực hiện 14.738 hồ sơ, thu lệ phí trước bạ đất đai 19,8 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 70,2 tỷ đồng. Ông Trần Văn Thành-Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku-thông tin: “Bắt đầu từ tháng 3-2022, khi cơ quan Thuế quyết liệt triển khai các giải pháp chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản thì giá trị giao dịch tính thuế, số thuế phải nộp đều tăng cao.
Thời gian đầu triển khai các giải pháp chống thất thu, đối với những hồ sơ có dấu hiệu kê khai thấp so với giá thực tế, cơ quan Thuế mời lên làm việc và yêu cầu kê khai lại. Hiện nay, cơ quan Thuế áp dụng nguyên tắc “Tiền phòng hậu kiểm”, chỉ những hồ sơ có dấu hiệu nghi vấn chênh lệch giá quá nhiều thì mới mời lên làm việc. Công tác chống thất thu được chú trọng nhưng vẫn đảm bảo đúng thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định, không gây phiền hà cho người dân, không còn tình trạng quá tải hay tồn đọng hồ sơ tại cơ quan Thuế”.