Mỗi chương trình đào tạo được mở ra cần đảm bảo đội ngũ giảng viên phải có đầy đủ chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tế về từng môn học, từng chuyên đề.
Hiện tại, VN đã có một số lượng các tiến sĩ và thạc sĩ chuyên về các công nghệ "hot" như trí tuệ nhân tạo và blockchain được đào tạo ở nước ngoài về làm việc tại một số trường đại học (ĐH), viện nghiên cứu. Tuy nhiên, mức độ chuyên môn theo từng phân loại chuyên ngành sâu hơn còn phụ thuộc một phần vào mức độ phát triển nghiên cứu cụ thể của họ.
Để có thể tiếp tục công tác đào tạo và thậm chí tiếp tục đào tạo chuyên sâu những ngành học này, họ phải đáp ứng về chất lượng chuyên môn thông qua việc tham gia làm việc trực tiếp trong các dự án cụ thể, hoặc ứng dụng thực tế trong môi trường doanh nghiệp...
Không chỉ những ngành công nghệ mà bất cứ ngành học mới nào cũng vậy, đội ngũ có trình độ cao đúng với chuyên môn ngành học là vô cùng cần thiết đối với chất lượng của chương trình đào tạo đó. Để trở thành cử nhân của một ngành học, sinh viên cần được đào tạo các kiến thức lý thuyết lẫn thực tế một cách chuyên sâu chứ không phải chung chung. Vì thế, nếu là tiến sĩ đúng ngành thì ngoài việc cung cấp kiến thức nền tảng và nhiều kinh nghiệm cần thiết khác cho người học, giảng viên vẫn phải tìm tòi, nghiên cứu, đào sâu thêm về chuyên môn đó để đáp ứng yêu cầu. Đây cũng là điều cần thiết và tất yếu khi tham gia một ngành học còn mới mẻ và chưa có đủ tiến sĩ, thạc sĩ cho đội ngũ giảng viên.
Mở các ngành học khi vẫn chưa đủ nguồn lực giảng viên có trình độ cao là một vấn đề cần được xem xét và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Các trường cần có kế hoạch cử nhân sự đi học tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài nếu như trong nước chưa đào tạo hoặc đào tạo không đủ đáp ứng, trước khi xác định sẽ mở ngành học đó. Hoặc nếu gấp rút, cũng có thể trả một mức lương và đãi ngộ hấp dẫn để tuyển tiến sĩ đúng chuyên môn ở nước ngoài về. Những người này vừa giảng dạy vừa có thể hướng dẫn, đào tạo thêm cho đội ngũ hiện có của trường thông qua các đề tài nghiên cứu chuyên môn.
Một giải pháp hỗ trợ khác là trường có thể mời các chuyên gia trình độ cao liên quan đến ngành học về trường thỉnh giảng, trao đổi các chuyên đề liên quan cho sinh viên tại trường. Song song đó, việc hỗ trợ phát triển chuyên môn sư phạm, học thuật, và bằng cấp cho các chuyên gia của từng lĩnh vực để tham gia giảng dạy ĐH cũng cần được đẩy mạnh. Sự mở rộng hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và viện nghiên cứu cũng là một phương pháp có thể giúp cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho những lĩnh vực công nghệ mới và những ngành xu hướng có nhu cầu học tập cao.
Giáo dục và đào tạo nhân lực cho lĩnh vực mới là một xu hướng tất yếu để VN không bị "lỡ nhịp". Tuy nhiên cần sự phát triển bền vững và chiến lược đào tạo nhân lực bài bản để không bị "tăng trưởng nóng" mà thiếu những đầu tư từ gốc nhằm tránh sản phẩm ra xã hội bị khiếm khuyết, gây hệ lụy trái chiều cho mục tiêu tốt đẹp ban đầu.