Thời sự - Bình luận

Thông điệp cầu thị từ Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi tiếp nhận chức Chủ tịch UBND TP. Pleiku, ngày 12-8 vừa qua, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Hữu Quế có một status gây chú ý cộng đồng mạng với nội dung: “Gửi các bạn yêu Pleiku! Từ tình yêu Pleiku, thời gian qua, các bạn có nhiều ý tưởng, đề xuất để góp phần xây dựng TP. Pleiku ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, những ý tưởng, đề xuất của các bạn mới chỉ dừng lại ở trong các tiểu luận, đề án, đề tài... và chúng đang được lưu giữ tại các thư viện hoặc trong giá sách gia đình các bạn. Để các ý tưởng, đề xuất của các bạn trở thành hiện thực, phát huy hiệu quả, xin các bạn hãy gửi tiểu luận, đề án, đề tài... của mình về TP. Pleiku qua địa chỉ email: pleiku312@gmail.com. Thành phố cam kết giữ bản quyền, tích cực phối hợp với các bạn để biến ý tưởng thành hiện thực! Xin trân trọng cảm ơn!”.
Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Đến nay, status của tân Chủ tịch UBND TP. Pleiku đã nhận được hàng ngàn lượt like (thích), 40 lượt share (chia sẻ), 77 lượt comment (bình luận). Theo thông tin chúng tôi có được, ngoài những góp ý, đề xuất ý tưởng chứa đựng trong các bình luận, hộp thư điện tử pleiku312@gmail.com cũng đã nhận nhiều ý kiến đề xuất rất thiết thực.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết: Mặc dù là đô thị trẻ ở khu vực Bắc Tây Nguyên (sau Kon Tum) và bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nhưng sau khi được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã quyết tâm xây dựng Pleiku ngày càng giàu đẹp. Sau 90 năm xây dựng và phát triển (1929-2019), Pleiku đã trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Tây Nguyên và hội đủ điều kiện để trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Dẫu vậy, theo ông Quế, Pleiku vẫn đang là công trường với nhiều hạng mục dang dở cần phải hoàn thiện, căn chỉnh, thậm chí là phá bỏ để làm lại cho hợp lý. Đặc biệt, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự là chính quyền đô thị, chưa phải là thành phố thông minh theo xu thế của thời đại 4.0. Điều đó đặt ra cho lãnh đạo thành phố nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Muốn tranh thủ thời cơ thuận lợi và nhanh chóng vượt qua khó khăn, thách thức buộc những nhà hoạch định chủ trương, chính sách phải tận dụng cho được “túi khôn” của người dân thành phố. “Túi khôn” ở đây có thể là những ý tưởng về quy hoạch vĩ mô, về kinh nghiệm quản lý, điều hành, thậm chí là ý kiến nhỏ nhằm giải quyết một việc nào đó, chẳng hạn  như đề xuất “kiến tạo một công viên lan và con đường lan” của kỹ sư-nhà thơ Phạm Đức Long hay ý tưởng của một nhóm bạn trẻ về đêm nhạc đường phố được tổ chức hàng tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết…
Trò chuyện với ông Quế, chúng tôi hiểu rằng, mong muốn được tiếp nhận ý kiến góp ý để xây dựng thành phố là không của riêng ông. Đây cũng không phải là thủ thuật nhằm “đánh bóng” hình ảnh của một vài cá nhân, trong đó có ông. Bởi lẽ, công cuộc kiến tạo thành phố là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh việc nhiệt thành tiếp nhận những ý tưởng “xây mới”, thành phố cũng sẵn sàng lắng nghe để điều chỉnh, thậm chí phá bỏ những tồn tại bất hợp lý, gây cản trở sự phát triển đô thị và cuộc sống của người dân.
Việc người đứng đầu một quốc gia hay địa phương sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với người dân nhằm phục vụ cho công việc lãnh đạo, quản lý là hoàn toàn không mới. Trên thực tế, nhiều người từng rất thành công khi sử dụng mạng xã hội để thăm dò dư luận xã hội hoặc tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phía công chúng. Đơn cử như TP. Đà Nẵng dành riêng một trang web chuyên tiếp nhận ý kiến góp ý, phản hồi của người dân và bước đầu họ rất thành công. Vấn đề đối với Chủ tịch UBND TP. Pleiku nói riêng và hệ thống chính trị thành phố nói chung chính là việc tiếp thu các ý kiến cũng như triển khai nó trên thực tế như thế nào!
 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm