Tin tức

Thông điệp lần đầu thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ Blinken

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính quyền Mỹ gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Đông Nam Á vẫn là trung tâm trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có chuyến công du tới Indonesia, Malaysia và Thái Lan từ 13 - 16.12. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken sẽ có các bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như cam kết của Mỹ trong quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Tăng tốc chiến lược

Đây là chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của ông Blinken kể từ khi nhậm chức ngoại trưởng Mỹ. Giới phân tích cho rằng chuyến công du làm rõ hơn bước tăng tốc ngoại giao của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm kết nối với khu vực Đông Nam Á, sau những tháng đầu nhiệm kỳ có phần chững chân.

Trong vòng nửa năm qua, một loạt nhân vật cấp cao của Mỹ như Phó tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã trực tiếp tới Đông Nam Á. Mới đây nhất, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã thăm 4 nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Chính Tổng thống Biden hồi tháng 10 cũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ trực tuyến, sau 4 năm hội nghị này vắng bóng người đứng đầu Nhà Trắng. Sắp tới đây, vào tháng 1.2022, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp với lãnh đạo của các nước ASEAN, theo đề xuất của ông.

 

 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay trước khi công du Đông Nam Á. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay trước khi công du Đông Nam Á. Ảnh: AFP


Bình luận với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, chuyên gia về quan hệ quốc tế hiện giảng dạy tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng chính quyền Mỹ đã và đang có nghị trình làm việc liên tục với các nhà chính trị, ngoại giao Đông Nam Á. Điều này thể hiện Mỹ muốn thúc đẩy mối quan hệ với các nước ASEAN, và chứng tỏ cam kết của họ đối với khu vực trong bối cảnh chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn từ phía Trung Quốc.

Ông Trung nói: “Trong thời gian gần đây, chúng ta thấy Mỹ và các quốc gia đồng minh tập trung củng cố mối quan hệ và cam kết với Đài Loan, nhưng cùng lúc đó chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken tới khu vực Đông Nam Á cũng gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ luôn duy trì mối quan tâm tới khu vực này bằng các chuyến thăm cấp cao”.

Vai trò trung tâm của Đông Nam Á

Lập trường chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á đã được các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden nhấn mạnh xuyên suốt. Hồi tháng 8, khi công du khu vực, Phó tổng thống Harris tuyên bố rằng Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực tối quan trọng đối với an ninh, thịnh vượng của Mỹ. Bà cho biết Mỹ cam kết gắn bó lâu dài với khu vực này.

Nói về chuyến thăm tuần này của Ngoại trưởng Blinken, ông Kritenbrink khẳng định đây là ví dụ mới nhất về cam kết bền vững của chính quyền Biden - Harris, theo South China Morning Post. Ông Kritenbrink cũng nhấn mạnh Tổng thống Biden cam kết đẩy mức tương tác Mỹ - ASEAN lên mức cao chưa từng có. Tại các cuộc hội đàm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 diễn ra tại Anh ngay trước khi đáp chuyến bay tới Đông Nam Á, ông Blinken cũng liên tục nhắc về việc tăng cường chính sách nhất quán của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, những động thái của Mỹ cho thấy minh chứng rõ ràng rằng khu vực Đông Nam Á vẫn là trung tâm trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà chính quyền Mỹ theo đuổi. Phiên bản mới của chính sách này có thể được chính quyền Tổng thống Biden thông báo trong tháng 12 hoặc vào đầu năm sau, nhưng cách tiếp cận như trên với khu vực Đông Nam Á chắc chắn vẫn được duy trì.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, không chỉ dừng lại ở các chuyến thăm, chính quyền Mỹ gần đây đưa ra nhiều sáng kiến, thỏa thuận đa phương với các quốc gia đồng minh và đối tác. Về khía cạnh thương mại, Mỹ đang thảo luận với các quốc gia trong khu vực về Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework) như là một đối trọng trong thời gian sắp tới với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng như mong muốn của Trung Quốc về gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong lĩnh vực y tế, Mỹ hiện cũng là quốc gia viện trợ vắc xin và thiết bị chống dịch Covid-19 nhiều nhất cho khu vực Đông Nam Á.

Cần làm nhiều hơn nữa

Trong một sự kiện hồi tháng 7, chính điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Kurt Campbell đã nói rõ: “Chúng tôi nhận ra rằng để có một chiến lược châu Á hiệu quả, một cách tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiệu quả, Mỹ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa ở Đông Nam Á”, theo Nikkei Asia. Cũng với cách tiếp cận đó, nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ còn nhiều việc phải làm để thật sự kết nối hiệu quả với Đông Nam Á.

Mặc dù luôn nhấn mạnh không muốn các nước trong khu vực phải chọn bên, nhưng các chuyển động chính sách của Mỹ và Trung Quốc với Đông Nam Á vẫn luôn được đưa lên bàn cân so sánh. Hồi tháng 11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước thành viên ASEAN nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao ASEAN - Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ông Tập đích thân dự hội nghị và đưa ra các cam kết thúc đẩy hòa bình, phát triển kinh tế trong khu vực. Sự xuất hiện của ông Tập được xem là nhằm gửi thông điệp mạnh của Trung Quốc đối với Mỹ lẫn ASEAN về chủ ý gia tăng vai trò và ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực, theo tiến sĩ Trung.

Trên khía cạnh kinh tế, Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng bậc nhất của các nước Đông Nam Á và khuôn khổ hợp tác như RCEP cũng sắp có hiệu lực. Trong khi đó, Mỹ hiện đứng ngoài 2 thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất ở châu Á và các đề xuất mới vẫn chưa thành hình rõ ràng.

 

Biển Đông trên bàn nghị sự

Reuters dẫn lời trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết chuyến công du tuần này của Ngoại trưởng Blinken sẽ đề cập chuyện Biển Đông khi thảo luận với các đối tác về vấn đề an ninh. Theo ông Kritenbrink, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ tập trung bàn về tăng cường cấu trúc an ninh khu vực để đối phó với các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa ngày 11.12 tuyên bố phản đối những ý đồ đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông cho biết Nhật Bản sẽ kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm ở 2 vùng biển trên. Thông điệp này cũng được ông Hayashi Yoshimasa và người đồng cấp Mỹ Blinken nhất trí trong cuộc gặp cùng ngày bên lề Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 diễn ra tại Anh.


Theo NGỌC MAI (TNO)

Có thể bạn quan tâm