Thời sự - Bình luận

Thông điệp từ những "cánh đồng chết" được hồi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyện sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã manh nha từ lâu, được một số địa phương bắt tay phát triển và đạt những thành công đáng ghi nhận. Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng hiện nay.
Nhiều mô hình hữu cơ đã được hình thành và đem lại hiệu quả cao (ảnh internet)
Đến nay, Việt Nam đã có hơn 30 tỉnh, thành phố làm nông nghiệp hữu cơ, nhiều nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù có chậm hơn nhiều quốc gia trên thế giới nhưng sự nỗ lực của các doanh nghiệp và bà con nông dân đã đưa nước ta vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nông dân Việt Nam như gạo Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food (tỉnh Cà Mau), lúa gạo thương hiệu Tâm Việt của anh Võ Văn Tiếng (tỉnh Đồng Tháp), sữa Organic của Tập đoàn TH… đã có mặt ở thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc... Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã đầu tư nghiên cứu, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Sản xuất nông nghiệp sạch, mà lại ở một nơi từng được coi là “vùng đất chết” như huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) thực sự là một thách thức với các nhà khoa học gắn bó với nông dân. Vì vậy, việc nông dân vùng đất lửa Vĩnh Linh sản xuất được gạo hữu cơ siêu sạch, ngoài việc đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng còn chứa 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, gout; giá trị gấp 30.000 lần vàng thực sự là một thông tin hết sức bất ngờ.
Đây là thành quả của cái bắt tay chặt chẽ, trách nhiệm giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp và bà con nông dân, sau lời đề nghị đầy tâm huyết của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị để xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ bằng công thức “bón phân vi sinh và tưới nước”, tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân hóa học nào. Mô hình này đã đạt hiệu quả rõ rệt. Năng suất lúa ổn định, nông dân không còn lo đầu ra cho sản phẩm, thu nhập đạt 30-40 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Sau 3 năm triển khai, tỉnh Quảng Trị đã có 200 ha lúa hữu cơ và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Hồi sinh những “cánh đồng chết”, biến nó thành những cánh đồng với mùa nối mùa bội thu có thể xem là một kỳ tích bởi chẳng những tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc nâng giá trị đầu ra của hạt gạo mà còn cải thiện được môi trường khi bà con đoạn tuyệt với phân hóa học, thuốc trừ sâu, hình thành mô hình lúa sạch-cá sạch với giá trị kinh tế cao, mở hướng đi mới cho việc sản xuất và cung ứng gạo chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Câu chuyện này không còn là của riêng Quảng Trị, nhất là khi nền nông nghiệp của chúng ta lâu nay dù đã đạt được nhiều thành tích về xuất khẩu lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, trái cây, thủy sản… nhưng vẫn chưa hết loay hoay giữa những cơn bão giá, mà hầu hết doanh nghiệp và nông dân Việt lại là người hứng bão.
Vì vậy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân để xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là vấn đề hết sức bức thiết. Trong hành trình đó, rất cần sự trợ giúp đầy trách nhiệm và tâm huyết của các nhà khoa học và chiến lược đầu tư-kinh doanh của các doanh nghiệp có tâm với nông dân.
Vựa lúa, vựa cá của đồng bằng sông Cửu Long; vựa cà phê, hồ tiêu, ca cao, mía đường của Tây Nguyên và sắp tới sẽ là những vựa cây, con trên các vùng miền khác, nếu biết phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động thay đổi, nhiệt huyết, trân quý tài nguyên đất nước của nông dân và các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp sẽ là những “cánh đồng vàng” mang lại sự no ấm cho nông dân, sự cường thịnh cho quê hương, đất nước.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm