Tin tức

Thủ tướng Libya thoát chết trong vụ ám sát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thủ tướng Libya Abdulhamid al-Dbeibah thoát chết trong vụ ám sát ngày 10.2 trong bối cảnh xung đột giữa các phe phái đối địch về quyền kiểm soát chính phủ.

Thủ tướng Libya Abdulhamid al-Dbeibah. Ảnh: AFP
Thủ tướng Libya Abdulhamid al-Dbeibah. Ảnh: AFP


Thủ tướng Abdulhamid al-Dbeibah không hề hấn gì trong vụ việc, Reuters đưa tin, trích dẫn một nguồn tin thân cận với thủ tướng cho biết, đây rõ ràng là một vụ ám sát.

Theo nguồn tin giấu tên, trong khi trở về nhà vào đầu ngày 10.2, các phát súng đã được bắn về phía xe của ông Dbeibah từ một chiếc xe khác đang chạy trốn khỏi hiện trường. Sự việc đã được chuyển đến tổng công tố để điều tra.

Nếu được xác nhận, âm mưu ám sát bất thành sẽ càng làm trầm trọng tình hình ở quốc gia vốn đã bị chia rẽ sâu sắc.

Trước đó, ngày 8.2, ông Dbeibah tuyên bố chống lại những nỗ lực bổ nhiệm một chính phủ lâm thời mới, nói rằng ông sẽ không bàn giao quyền lực.

“Tôi sẽ không cho phép một giai đoạn chuyển tiếp mới. Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) sẽ tiếp tục cho đến khi bàn giao quyền lực cho một chính quyền được bầu cử" - ông Dbeibah nói.

Ông cảnh báo rằng, việc bổ nhiệm một thủ tướng mới sẽ dẫn đất nước trở lại "sự chia rẽ và hỗn loạn" sau gần hai năm tương đối bình lặng. Ông Dbeibah kêu gọi các cuộc biểu tình trên đường phố để phản đối việc bổ nhiệm một chính phủ chuyển tiếp mới.

Libya đã không thể tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội theo lịch trình đã định vào cuối năm ngoái do các phe phái chính trị bất đồng sâu sắc về cơ sở Hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia cũng như các quy định về ứng cử viên.

Thủ tướng Dbeibah là đối thủ của Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh. Quốc hội Libya do ông Saleh đứng đầu có trụ sở tại thành phố miền đông Tobruk, trong khi Chính phủ Thống nhất Dân tộc (GNU) của ông Dbeibah đặt tại Tripoli ở miền tây.

Sau khi các cuộc bầu cử bị trì hoãn, các đối thủ chính trị của ông Dbeibah tuyên bố rằng nhiệm vụ của GNU đã kết thúc. Trong nỗ lực nhằm thay thế ông Dbeibah, Quốc hội Libya dự kiến ​​sẽ họp trong ngày 10.2 để bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashaga hoặc Bộ trưởng-Cố vấn Khalid al-Baibas làm thủ tướng mới, mặc dù không rõ liệu cuộc họp có bị hoãn lại sau vụ ám sát nhằm vào ông Dbeibah hay không.

Ông Dbeibah, một doanh nhân quyền lực từ Misrata, được bổ nhiệm làm thủ tướng của Chính phủ Thống nhất Dân tộc (GNU) vào tháng 2 năm ngoái trong khuôn khổ một tiến trình chính trị do Liên Hợp Quốc làm trung gian và được phương Tây hậu thuẫn. Nhiệm vụ chính của chính phủ do ông Dbeibah dẫn dắt là đưa đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc đi theo hướng hòa giải dân tộc và tổ chức các cuộc bầu cử.

Việc bổ nhiệm một thủ tướng mới có thể sẽ tạo ra hai chính quyền song song. Điều này làm tăng khả năng xảy ra các cuộc giao tranh mới ở Libya.

Libya đã bị tàn phá bởi xung đột kể từ khi cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn lật đổ và sát hại lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi vào năm 2011. Không bao lâu sau đó, xung đột giữa các phe phái tại Libya tiếp tục nổ ra, dẫn tới Nội chiến Libya 2014 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Các phần của Libya bị chia cắt giữa các chính phủ có trụ sở tại Tobruk và Tripoli cũng như các bộ lạc và dân quân Hồi giáo khác nhau.

Đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn khiến nhiều người cố gắng di cư đến Châu Âu. Từ năm 2013 đến 2018, gần 700.000 người di cư đã đến Italia bằng thuyền, nhiều người trong số họ đến từ Libya.

Ngày 23.10.2020, một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn đã được ký kết để chấm dứt chiến tranh.

https://laodong.vn/thoi-su-quoc-te/thu-tuong-libya-thoat-chet-trong-vu-am-sat-1013030.ldo
 

Theo SONG MINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm