Tin tức

Thủ tướng Singapore: Sẽ có một TPP mới không còn Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà thiếu Mỹ sẽ là mất mát lớn và trở thành thỏa thuận hoàn toàn mới.
 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mong đợi chính quyền mới của Mỹ sẽ đánh giá lại quan điểm về TPP.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mong đợi chính quyền mới của Mỹ sẽ đánh giá lại quan điểm về TPP.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Lima (Peru) ngày 21-11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định một Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không còn Mỹ trong tương lai là điều có thể xảy ra và đó sẽ trở thành một thỏa thuận hoàn toàn mới, song nếu TPP thiếu đi Mỹ thì sẽ là một tổn thất to lớn đối với các nền kinh tế thành viên còn lại.

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh APEC 2016 với chủ đề chính TPP, Thủ tướng Lý phát biểu với báo giới rằng sẽ có một thỏa thuận mới trong tương lai không có sự tham gia của Mỹ, nhưng điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán sẽ lại phải bắt đầu trở lại và mất nhiều thời gian hơn.

"Chúng ta đã phải mất 8 năm đàm phán TPP, song bất kì một thỏa thuận mới nào thay thế TPP cũng đều phải tính toán tới những diễn biến mới của thế giới, chẳng hạn như sự thay đổi của các thị trường và kinh tế. Đó quả là điều không dễ dàng gì", ông Lý cho biết.

Ông Lý nhấn mạnh, một cảm giác thận trọng đã bao trùm các cuộc họp của APEC sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Và vì ông Trump từng nhiều lần nhấn mạnh về việc bảo vệ công ăn việc làm của người dân Mỹ, đồng thời phản đối các hiệp định thương mại, nên số phận của TPP giờ như đứng bên bờ vực.

Tỷ phú Donald Trump hôm 21/11 đã đăng tải đoạn video thông báo một số công việc ông sẽ thực hiện khi chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng vào ngày 20/1 năm sau. Theo đó, ông xác nhận việc Mỹ sẽ dừng hiệp định thương mại TPP với 11 đối tác khác.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ chính thức có hiệu lực nếu được ít nhất 6 nước thành viên chiếm ít nhất 85% sản lượng kinh tế của khối phê chuẩn, đồng nghĩa phải có sự phê chuẩn của cả Mỹ và Nhật Bản.

Theo doanhnghiep

Có thể bạn quan tâm