E-magazine Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Kiến trúc sư" đổi mới: "Hiện tượng Võ Văn Kiệt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 



Kết quả của việc "tháo gỡ" và "bung ra" đã nhanh chóng đẩy giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP HCM gia tăng. Năm 1981 tăng 26% so với năm 1980, năm 1984 tăng 27% so với năm 1983. Đó chính là lý do mà mọi người gọi anh Võ Văn Kiệt bằng những câu nói đã được hình tượng hóa "Hiện tượng Võ Văn Kiệt", "Võ Văn Kiệt mà không kiệt".
 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm một bảo tàng ở TP HCM năm 1999. Khi ấy ông Võ Văn Kiệt là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: Tư liệu
 



Trong quá trình công tác, tôi vinh hạnh được làm người cộng sự gần gũi của anh Võ Văn Kiệt khi anh đảm nhiệm những trọng trách: Bí thư Thành ủy TP HCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong cuộc sống đời thường, tôi quen gọi anh Võ Văn Kiệt bằng "anh Sáu", "anh Sáu Dân".
 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ các cán bộ lão thành cánh mạng và các Mẹ Việt Nam Anh hùng ở huyện Bình Chánh, TP HCM vào tháng 5-1995. Ảnh: TTXVN



Còn nhớ sau ngày giải phóng miền Nam, anh Sáu Dân được chỉ định làm Chủ tịch UBND TP HCM. Lúc đó, thành phố phải đương đầu với những khó khăn về kinh tế - xã hội: Nạn đói đã đe dọa từ trước khi thành phố được giải phóng, xăng dầu khi tiếp quản thành phố chỉ đủ dùng trong 15 ngày; thất nghiệp, tệ nạn ma túy, mại dâm; 2/3 đất đai vùng nông thôn ngoại thành bị hoang hóa... Những năm kế tiếp, quỹ hàng hóa thuộc nhu cầu thiết yếu không bảo đảm cho công nhân - viên chức và nhân dân lao động. Lần đầu tiên, nhân dân thành phố ăn độn, tháng cao nhất đến 90%. Tiền lương thực tế của công nhân - viên chức mỗi năm mỗi sụt từ 17% đến 27%. Chỉ số giá cả, thị trường không ngừng gia tăng.

 

Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt thăm Nhà máy dệt Việt Thắng. Ảnh: tư liệu



Công việc đầu tiên của anh Sáu Dân trên mặt trận kinh tế là quyết tâm biến "vành đai trắng" ở nông thôn ngoại thành thành "vành đai xanh". Hơn 400.000 nông dân phân tán đi khắp nơi trong thời kỳ chiến tranh được vận động trở về xóm làng cũ xây dựng quê hương. Nông dân hăng hái tham gia khai hoang phục hóa, làm thủy lợi. Hàng triệu lượt người từ công nhân - lao động, học sinh, sinh viên đến các văn nghệ sĩ, người có đạo hoặc không có đạo... đã về tiếp sức với nông thôn tạo thành một khí thế lao động sôi nổi, thắt chặt mối quan hệ giữa nội thành và ngoại thành, đưa diện tích trồng trọt từ 45.000 ha lên 115.000 ha.
 

Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt trao cờ cho Bí thư Thành đoàn TP HCM Phạm Chánh Trực ra quân Thanh niên xung phong năm 1976. Ảnh: Tư liệu Thành đoàn TP HCM



Chỉ một năm sau, màu xanh đã phủ trên "vành đai trắng" bị bom đạn cày xới. Từ 164.000 tấn lương thực năm 1976 được nâng lên 250.000 tấn năm 1984. Ngoại thành từng bước hình thành vùng rau chuyên canh, từ vài trăm hecta năm 1976 nâng lên 4.000 ha vào đầu những năm 1980 - đáp ứng trên 60% nhu cầu rau cho thành phố, một phần rau cao cấp cung ứng cho xuất khẩu.

 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm cán bộ, công nhân Công ty Xây lắp điện 3 đang thi công tuyến đường dây 500kV, tháng 5-1993. Ảnh: TTXVN
 
Chiều 20-5-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 3 từ phải sang) đến thăm trạm biến áp Phú Lâm (TP HCM), trạm cuối cùng của tuyến đường dây 500 kV Bắc-Nam. Ảnh: TTXVN

Năm 1976, sau Đại hội Đảng lần thứ IV, anh Sáu Dân làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Những năm anh Sáu Dân giữ trọng trách này là giai đoạn gần như cả đất nước trong tình trạng "ngăn sông cấm chợ". Nhưng bằng bản lĩnh năng động và khả năng sáng tạo, sự lăn lộn trong thực tiễn đời sống nhân dân, anh Sáu Dân cùng Đảng bộ TP HCM đã mày mò tìm kiếm và phát kiến ra mô hình quản lý kinh tế thích hợp. Với quan điểm bằng mọi giá không để 3 triệu người dân thành phố đang cận kề với cái đói do cơ chế mà không mua được lúa, gạo, anh Sáu Dân đã chỉ đạo Giám đốc Công ty Lương thực TP HCM (là bà Ba Thi - Nguyễn Thị Ráo) "đánh" một đoàn xe xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa với giá cao gấp nhiều lần giá nhà nước quy định. Thấy cấp dưới có phần băn khoăn vì làm chuyện "tày đình", anh Sáu Dân cương quyết: "Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù thì tôi đem cơm cho chị". Xong việc, mọi người mới nhận ra tấm lòng của anh Sáu Dân luôn vì dân.

Có người gọi đó là thời kỳ "khủng hoảng trong sự trưởng thành của thành phố" và "tự cởi trói" để tháo gỡ tình trạng kinh tế sa sút. TP HCM đã chủ động đề ra kế hoạch bổ sung cho cơ sở sản xuất công nghiệp quốc doanh, không ỷ lại, trông chờ cấp trên, tự tạo nguồn vật tư, nguyên liệu bằng cách kết hợp với các tỉnh trong khu vực. Từ đó, hạn chế tình trạng công nhân xí nghiệp quốc doanh phải nghỉ việc ăn lương 70% vì thiếu nguyên liệu, vật tư, thực hiện lương khoán, trả lương theo sản phẩm, kết hợp chặt chẽ "ba lợi ích".

 

Chiều 1-5-1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định TP HCM xây dựng đường hầm ngầm qua Thủ Thiêm (tại vị trí đặt cây chỉ). Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH



Nhạy bén trước hiện tượng nảy sinh các nhân tố mới, dưới sự lãnh đạo của anh Sáu Dân, Thành ủy TP HCM đã phát động 2 đợt hoạt động rất quan trọng. Một là, phong trào học tập và nhân điển hình tiên tiến trong từng ngành, trước hết ở ngành công nghiệp chế biến, cơ khí, dệt. Hai là, cùng với sự giúp đỡ của nhiều ngành trung ương, tổ chức một đợt khui kho đưa vào sử dụng những vật tư tồn đọng một cách phi lý do cơ chế cũ ràng buộc, mở khu triển lãm giới thiệu mua bán vật tư, tận dụng phế liệu, phế thải, tăng quyền chủ động cho cơ sở, hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị, ngành trên địa bàn thành phố và khu vực, mở ra khả năng hợp tác giữa các xí nghiệp trung ương và thành phố, giữa thành phố với các tỉnh. Thuật ngữ "liên kết" trong việc hợp tác sản xuất - kinh doanh đã phát sinh trên cơ sở đó và trong thời gian đó.

Chính những chủ trương, chính sách do anh Sáu Dân tổ chức nghiên cứu từ thực tiễn TP HCM rồi đưa ra thí điểm, tiến hành tổng kết đã trở thành những bước đột phá, làm căn cứ thực tiễn quan trọng, góp phần hình thành tư duy và đường lối đổi mới sau này của đất nước.
 

Ông Trần Hữu Phước (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) trong một lần tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 2 từ trái sang) thăm một bảo tàng ở TP HCM năm 1999. Khi ấy ông Võ Văn Kiệt là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: TƯ LIỆU
 



-----------------
Kỳ tới: Quyết đoán, dám làm dám chịu



Bài viết: TRẦN HỮU PHƯỚC, nguyên Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Phan Anh ghi
Trình bày: A.Thanh

 

>> Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Kiến trúc sư" đổi mới
 

(Dẫn nguồn NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm