Nếu như tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022 thì sang tháng 1-2024, tín dụng toàn hệ thống lại giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Thực tế, những khó khăn đối với tăng trưởng tín dụng trong năm nay đã được NHNN dự báo từ trước đó như khả năng phục hồi của nền kinh tế chậm, những biến động bất thuận từ kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước. Do đó, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN cũng có cơ chế “thoáng” hơn đối với việc cấp phép hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng khi đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm, thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Dẫu vậy, kết quả tăng trưởng tín dụng âm trong tháng đầu năm 2024 cho thấy kết quả chưa thực sự được như mong muốn. Nhận xét về điều này, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết, việc tăng trưởng tín dụng âm trong tháng đầu năm 2024, một mặt mang tính quy luật (do thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán các hoạt động sản xuất kinh doanh đều tạm ngưng và vốn tín dụng không lưu thông), nhưng mặt khác đây cũng là chỉ dấu cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế vẫn còn yếu.
Do đó, vấn đề đặt ra là cần làm rõ hơn những hạn chế, vướng mắc để có những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đó trợ lực cho sản xuất, kinh doanh và phục hồi, phát triển kinh tế.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ngân hàng đều chung nhận định, tăng trưởng tín dụng giảm không phải từ cơ chế chính sách của ngân hàng hay lãi suất mà nguyên nhân chính đến từ cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn còn thấp. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn.
“Sức khỏe” doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi cũng được xem là trở ngại lớn đối với khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Đơn cử, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1-2024 tăng 2,2% so với tháng 12-2023 và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năng lực tài chính của doanh nghiệp bị giảm sút, khả năng chịu đựng yếu, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao trùm nợ xấu tại các ngân hàng giảm, các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02 đến hạn trong năm 2024 và 2025 khiến cho áp lực phải trả nợ khi đến hạn sẽ rất lớn đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, sức khỏe yếu, có sự đan xen các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất, dẫn tới nhiều khó khăn cho các ngân hàng trong đánh giá và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.
Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đó trợ lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần phải đẩy mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Song, cũng không nên “ép” tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà thay vào đó cần có sự kiểm soát và định hướng dòng vốn tín dụng đi vào đúng mục tiêu, đúng đối tượng như các lĩnh vực ưu tiên và những dự án trọng điểm quốc gia để tạo ra sức lan tỏa, từ đó kéo theo những lĩnh vực khác phát triển. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.