Tin tức

Thương chiến Mỹ - Trung: Ai sẽ xuống nước?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thỏa thuận Mỹ-Trung cần sự nhượng bộ của ít nhất một trong hai bên, nhưng cho tới hiện tại chưa bên nào sẵn sàng bỏ ra thứ gì lớn để đặt cược.
Hôm 5/9, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc lần đầu tiên điện đàm cho đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sau hơn nửa tháng cắt liên lạc. 
Cuộc nói chuyện diễn ra tốt đẹp, vài giờ sau Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo vòng đàm phán Mỹ-Trung tại Washington được ấn định vào đầu tháng 10. Bộ này tiết lộ 2 bên đồng ý thực hiện nỗ lực cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục đối thoại. 
"Trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ của các nhóm làm việc, hai bên sẽ nỗ lực đạt được tiến bộ thực chất trong vòng đàm phán thương mại thứ 13", người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho hay. 
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái), đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tại vòng đàm phán thứ 12 ở Bắc Kinh. (Ảnh: Polotico)
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái), đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tại vòng đàm phán thứ 12 ở Bắc Kinh. (Ảnh: Polotico)
Một thông báo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, trước vòng đàm phán vào tháng 10 tới, phái đoàn thương mại hai nước sẽ tham gia các cuộc tham vấn vào giữa tháng này.
Diễn biến mới này được xem là tình tiết mới nhất trong bộ phim dài tập nhiều pha kịch tính nhưng có phần lê thê mang tên "Thương chiến Mỹ-Trung". Nó đến chỉ vài ngày sau khi các đòn thuế quan mới 2 bên áp đặt lên nhau có hiệu lực. 
Taoran Notes, một blog của Nhật báo Kinh tế dưới một bút danh trên mạng xã hội WeChat cho biết trong một bài bình luận đăng tải mới đây rằng quan chức cả 2 nước có thể giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của nhau trong những ngày tới. 
Trung Quốc từng nhấn mạnh rằng một thỏa thuận thương mại cần phải dựa trên cơ sở bình đẳng và cân bằng, bao gồm việc Mỹ loại bỏ thuế quan và Trung Quốc đồng ý mua số lượng hợp lý nông sản và các sản phẩm khác của Washington. 
"Xu hướng sắp tới cho dù nó phát triển theo hướng tích cực hay lặp lại (những căng thẳng trước đó), có lẽ sẽ được quyết định bởi các hành động của người Mỹ", blog này cho hay. 
Nhận xét trên rõ ràng đá quả bóng sang sân Mỹ, buộc Washington phải nhún nhường trong khi Bắc Kinh tỏ ý họ sẵn sàng xuống nước trong điều kiện đối thủ phải bỏ ra gì đó, 
Các nhà nghiên cứu cho rằng xét theo tình hình hiện tại, hy vọng sẽ có một bước đột phá đáng kể trong ngắn hạn là rất khó khăn. 
Theo ông, Lu Xiang, nhà nghiên cứu về các vấn đề Mỹ của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dù 2 bên sẽ thảo luận và đưa ra chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán trực tiếp sắp tới, không rõ các quan chức Mỹ sẽ làm rõ ý định của Tổng thống Trump đến đâu. 
"Những gì ông Trump làm sẽ khó lường hơn. Chúng ta chỉ có thể cố gắng tìm kiếm các manh mối trong những tuyên bố vô nghĩa mà ông ấy đưa ra. Tốt hơn là không nên mong chờ vào kết quả đàm phán", ông Lu nhận định. 
Wang Yong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho rằng sự chững lại của nền kinh tế Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tới các yêu cầu của Washington. Ông Wang dự đoán rằng tại các phiên làm việc vào tháng 10, 2 bên sẽ tập trung thảo luận vào mức độ tiếp cận của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, hạn chế visa Mỹ cho người Trung Quốc và số lượng sản phẩm Trung Quốc mua từ Mỹ. 
Nhưng dù kết quả ra sao, ông Wang cũng như giới quan sát đều tin rằng chuyện đạt tới một thỏa thuận ngay sau vòng đàm phán vào tháng 10 là không thể. 
Theo NHK, khi không thể tiến tới một thỏa thuận, cả ông Tập và ông Trump đều phải chịu những áp lực từ riêng mình. 
Với Tổng thống Trump, những cảnh báo về suy thoái kinh tế vào thời điểm giai đoạn tái tranh cử đang tới hồi gay cấn sẽ gây những bất lợi cho ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm. Đây có thể là lý do khiến ông liên tục thúc giục Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng và đưa kinh tế Mỹ tạm rời khỏi miệng hố suy thoái. 
Với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhún nhường Mỹ sẽ khiến ông lạc giọng trước những tuyên bố đanh thép kêu gọi không nhượng bộ từ truyền thông hay quan chức Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng chiến thuật mà Trung Quốc đang dùng hiện nay là câu giờ để đợi chờ một Tổng thống mới. Nhưng đây có thể là con dao 2 lưỡi nếu ông Trump tái đắc cử.
Hàng loạt các tuyên bố mới đây từ truyền thông Trung Quốc cho thấy nến kinh tế thứ 2 thế giới đã sẵn sàng cho một cuộc đấu dài hơn. Bản thân Chủ tịch Tập trong một sự kiện giữa tuần cũng kêu gọi quan chức Trung Quốc chuẩn bị tinh thần chiến đấu trường kỳ chống lại khó khăn trước mắt. 
Bắc Kinh có thể vẫn sẽ chấp nhận "liều, ăn nhiều" và tiếp tục giữ thái độ cứng rắn cho tới trước bầu cử Mỹ 2020. Nếu Bắc Kinh không nhượng bộ, Tổng thống Trump vốn luôn cho mình ở thế "cửa trên" cũng sẽ khó chịu xuống nước dù bầu cử đang đến gần. 
Song Hy (Nguồn: Politico, NHK)
Theo VTC News

Có thể bạn quan tâm