Tin tức

Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2: Điều gì chờ ông Trump và ông Kim tại Việt Nam?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cần phải đưa ra nhiều nhượng bộ để đạt được thành công tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2.

Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng 2/2019 sẽ là thời khắc quyết định. Sự kiện này sẽ cho thấy thiện chí của cả hai bên nhằm đạt được tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

 

Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN.
Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN.



Nhóm đàm phán của Mỹ chắc chắn biết rõ những gì tạo nên một thỏa thuận tốt, nhưng cũng không tránh khỏi nguy cơ Tổng thống Trump “lạc lối” vào một thỏa thuận thiếu rõ ràng, như thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6/2018. Tuyên bố chung tại Singapore thể hiện những ý tưởng tốt, nhưng nó không phải là một thỏa thuận thực sự buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm thực hiện các bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa. Đây là lý do sớm muộn gì các bên cũng cần phải đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân thực sự.

Gạt bỏ bất đồng

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Việt Nam lần này, điều đầu tiên mà ông Trump và ông Kim cần phải đạt được sự nhất trí là định nghĩa về “phi hạt nhân hóa” và “hòa bình” trên Bán đảo Triều Tiên. Washington nhìn nhận phi hạt nhân hóa là loại bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân, thiết bị, vật liệu, cơ sở hạt nhân và hệ thống tên lửa đạn đạo tại Triều Tiên. Trái lại, Bình Nhưỡng xem phi hạt nhân hóa là loại bỏ hoàn toàn khí tài chiến lược của Mỹ, vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ và vũ khí có khả năng mang hạt nhân, thậm chí cả sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.

Đối với Triều Tiên, chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ trùng khớp với định nghĩa về hòa bình của nước này. Ngược lại, Mỹ cho rằng hòa bình thực sự là chấm dứt tình trạng thù địch với Bình Nhưỡng trong khi vẫn duy trì liên minh mạnh mẽ với Triều Tiên và có quân đội trên Bán đảo Triều Tiên. Tương tự, các bên cũng cần phải xác định rõ “con chip mặc cả”, từ sự nhượng bộ mang tính chất kỹ thuật chẳng hạn như điều gì sẽ xảy đối với cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên tới những nhượng bộ ít nhạy cảm hơn như mở văn phòng liên lạc chung.

Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là thỏa thuận về lộ trình hòa bình-phi hạt nhân hóa toàn diện. Việc phác thảo thời gian biểu cụ thể cho đến khi vũ khí hạt nhân bị loại bỏ hoàn toàn và đưa ra những điều kiện thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn sẽ tạo ra một thỏa thuận có ý nghĩa chưa từng có. Công việc có được hoàn thành theo đúng thời hạn đặt ra hay không là một vấn đề khác, nhưng lộ trình này sẽ cung cấp cho mỗi bên khả năng đoán định và kết hợp tất cả những vấn đề nổi bật trong một khuôn khổ mà cả Mỹ và Triều Tiên đều hiểu rõ. Nó đóng vai trò là “xương sống” cho việc hoàn thành từng mục tiêu nhỏ cho đến khi đạt được mục tiêu lớn.

Trong trường hợp thỏa thuận như vậy không được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, hai nhà lãnh đạo sẽ có khuynh hướng tuyên bố một thỏa thuận nhỏ nhưng tiềm năng hơn để chứng tỏ rằng đã có nhiều tiến bộ đạt được trong quá trình thúc đẩy ý tưởng vạch ra tại Thượng đỉnh lần 1. Theo các nhà phân tích, thỏa thuận này cần phải được gắn liền với một tiến trình ngoại giao đi kèm bằng văn bản để các nhà đàm phán hai bên đánh giá việc thực hiện lộ trình đã đề ra sau Thượng đỉnh lần 2. Thông báo được đưa ra từ các cuộc đàm phán theo lộ trình sẽ giúp công chúng và thế giới tin tưởng rằng Bình Nhưỡng đã giữ đúng cam kết hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Với Triều Tiên

Thỏa thuận nhỏ có thể bao gồm các hoạt động liên quan đến việc đóng băng hoặc phá hủy vật liệu và các cơ sở hạt nhân, phá dỡ, đóng cửa các địa điểm thử hạt nhân hay tên lửa dưới lòng đất. Hoặc Mỹ cũng có thể yêu cầu Triều Tiên giao nộp các đầu đạn hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa như một động thái mang tính biểu tượng.

Tuy nhiên, bước đi đầu tiên được cho là khôn ngoan và có ý nghĩa hơn cả đó là Mỹ cần đề nghị Triều Tiên cung cấp danh sách các cơ sở hạt nhân và tên lửa trên khắp đất nước.

Đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên vẫn chưa công bố nước này sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân, thông số kỹ thuật của những loại vũ khí đó, nơi chúng được lưu trữ và các chi tiết liên quan khác. Theo giới phân tích, trước khi trao cho Triều Tiên bất cứ “phần thưởng” nào, Tổng thống Trump nên nhấn mạnh vào vấn đề trên. Trong trường hợp đàm phán kết thúc mà không có tiến triển đáng kể, ông Trump sẽ có lý do đổ lỗi Hội nghị không đạt kết quả là bởi thái độ thiếu hợp tác từ phía Triều Tiên.

Với phía Mỹ

Về phần mình, Washington cũng cần đưa ra một số nhượng bộ để đổi lấy các biện pháp phi hạt nhân hóa tương xứng từ phía Bình Nhưỡng. Chẳng hạn, Triều Tiên có thể cho phép các thanh sát viên tiếp cận với cơ sử hạt nhân Yongbyon, xác minh việc đóng cửa những địa điểm thử hạt nhân dưới lòng đất và tháo dỡ những cơ sở thử động cơ tên lửa.

Trong khi đó, Mỹ sẽ tiến hành hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên, ra tuyên bố chấm dứt quan hệ thù địch, xúc tiến các dự án hợp tác nhân đạo liên Triều, dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt.  Bên cạnh đó, ông Trump có thể đề xuất giảm quy mô hoặc ngừng hẳn tập trận chung với Hàn Quốc. Đây sẽ là một cử chỉ thiện chí mà không làm ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ, bởi Mỹ vẫn duy trì cam kết bảo vệ đồng minh thông qua mạng lưới các căn cứ đặt tại Hàn Quốc. Nhiều thành viên trong chính phủ Hàn Quốc thậm chí cho rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đang gây phản tác dụng đối với một nhiệm vụ lớn hơn là xây dựng quan hệ hòa giải với Triều Tiên.  

Giới quan sát nhận định, sự nhượng bộ có giá trị lớn lao hơn từ phía Mỹ bao gồm ký kết hiệp ước hòa bình, thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.  Khi đó, Triều Tiên sẽ đạt được các mục tiêu ngắn hạn về phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh.

Tuy vậy, việc thiết lập hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên không phải là nhiệm vụ riêng của Mỹ hoặc Triều Tiên. Đến một thời điểm nào đó, một cuộc đàm phán chính thức quy mô rộng lớn hơn cần phải được tạo ra với sự tham dự của tất cả các bên liên quan gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga.

Điều quan trọng hiện nay là các bên cần phải đạt được những kết quả cụ thể tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 ở Việt Nam. Nhiệm vụ chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều so với trước bởi những lời hứa hẹn suông có nguy cơ làm xói mòn các nỗ lực đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Nếu Mỹ thất bại trong chính sách ngoại giao với Triều Tiên thì sẽ các đồng minh của nước này như Nhật Bản và Hàn Quốc có cảm giác “bất an”, thậm chí xem xét nghiêm túc việc lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ. Thất bại của Mỹ cũng sẽ làm suy yếu Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và nghiêm trọng hơn có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới.

 Hồng Anh/VOV.VN
Nguồn: Channel News Agency, Foreign Policy

Có thể bạn quan tâm