Thời sự - Bình luận

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT có thể đạt 99%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dư luận thở phào sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, dù tổng quan kết quả cũng đã dự đoán trước.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kỳ thi có 3 mục tiêu chính là: Đánh giá kết quả dạy và học chương trình THPT; để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển.

Về đánh giá kết quả dạy và học, đề thi tương đối ổn định với điểm trung bình các môn thi giữ khá bình ổn từ năm 2020. Các tỉnh miền núi, biên giới vẫn có điểm trung bình ngoại ngữ thấp nhất. Điểm trung bình môn thi giáo dục công dân liên tục chiếm vị trí cao nhất trong các môn thi, chênh lệch nhiều đối với các môn thi khác chắc chắn cũng góp phần cho tỉ lệ học sinh chọn bài thi khoa học xã hội luôn cao hơn khi thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm qua.

Về xét tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ tốt nghiệp nếu có điểm xét tốt nghiệp không dưới 5 và không có môn thi nào bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống). Tổng số điểm liệt ở các môn năm 2024 là 585, giảm nhiều so với những năm trước (2020 là 1.262, 2021 là 1.280, 2022 là 1.094, 2023 là 656). Với tình hình điểm trung bình lớp 12 vẫn được cho "rộng rãi", số điểm liệt lại ít hơn và điểm trung bình các môn thi đều cao, năm 2024 tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước dự đoán sẽ chạm mức 99% (năm 2023 là 98,88%, cao nhất kể từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020).

Với tỉ lệ tốt nghiệp 4 năm liên tiếp vừa qua đều cao hơn 98%, việc dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tốt nghiệp THPT đã trở thành mục tiêu thứ yếu, vì hầu hết học sinh đều sẽ đạt tốt nghiệp sau kỳ thi. Có lẽ nên trở lại cái tên "kỳ thi THPT quốc gia" như trước năm 2020 thay vì "kỳ thi tốt nghiệp THPT" như hiện nay để xã hội hiểu rõ thêm các mục tiêu khác của kỳ thi.

Về xét tuyển ĐH: Đây vẫn là lựa chọn quan trọng hàng đầu của học sinh lớp 12. Căn cứ trên dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH trong 5 năm gần nhất, dự kiến sẽ có khoảng 65% - 70% học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 (khoảng 650.000 - 700.000 thí sinh) đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH trong giai đoạn đăng ký chính thức trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 18 đến 30-7.

Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp (hoặc kết hợp với điểm thi tốt nghiệp) vẫn là lựa chọn của đông đảo thí sinh, vì khi đăng ký xét tuyển chính thức lên hệ thống chỉ có 1/3 thí sinh đã được xét trúng tuyển sớm tại trường đặt nguyện vọng đã được xét trúng tuyển này ở nguyện vọng 1 và hiện các trường ĐH vẫn dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2023, tuy có giảm nhẹ so với năm 2022 nhưng tỉ lệ thí sinh nhập học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp vẫn chiếm xấp xỉ phân nửa tổng số thí sinh trúng tuyển theo tất cả các phương thức xét tuyển.

Dù việc xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp chỉ dựa trên tổ hợp 3 môn xét tuyển có điểm cao nhất của thí sinh nhưng do điểm trung bình tổ hợp 3 môn xét tuyển của các khối thi truyền thống đều cao hơn năm 2023 (trừ khối B giảm nhẹ), dự đoán điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành thu hút thí sinh ở các trường tốp đầu năm nay có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2023.

Có thể bạn quan tâm