Xã hội

Gia đình

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chủ quan, không nắm vững nguyên tắc an toàn điện là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn điện đáng tiếc. Tai nạn về điện thường để lại nhiều mức độ thương tích khác nhau, nhẹ thì để lại di chứng, nặng có thể gây tử vong. Chỉ một vài giây lơ là bất cẩn mà nhiều người gánh hậu quả khôn lường.

Tháng 3-2017, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa sơ thẩm hình sự và tuyên phạt bị cáo Hoàng Xuân Khoát (SN 1973, trú thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) 11 năm tù về tội “Giết người”. Theo cáo trạng, nhằm chống trộm và phòng cá nhảy ra ngoài, đầu tháng 8-2016, Khoát đấu nối điện vào dây thép trên mặt hồ C3. Việc này được Khoát thực hiện vào mỗi tối, đến sáng thì ngắt nguồn điện. Như thường lệ, tối 2-9-2016, Khoát đấu điện nhưng sáng hôm sau dậy đi cắt cỏ mà quên ngắt nguồn điện. Khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, anh T.V.T. (SN 1975, trú cùng thôn) dẫn con trai là T.V.T. (SN 2004) cùng cháu N.N.H. (SN 2003) và một số cháu nhỏ ra hồ C3 tập bơi. Cháu H. vừa xuống hồ thì bị điện giật, anh T. vội xuống cứu cũng bị điện giật… Vụ tai nạn đã khiến anh T. và cháu H. tử vong. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Hoàng Xuân Khoát đã tới cơ quan Công an đầu thú.

 

Điện lực huyện Mang Yang sửa chữa lưới điện tại xã Kon Thụp. Ảnh: N.N

Bất cẩn, chủ quan cũng là nguyên nhân khiến tai nạn điện xảy ra. Vào lúc 17 giờ 45 phút ngày 29-5-2017, tại thôn Ia Mút (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), em Trần Trọng Hiếu sử dụng cây tre (đoạn đầu có móc sắt) để hái xoài. Do thiếu quan sát, trong quá trình di chuyển, móc sắt đầu cây tre đã chạm vào DZ 35 kV của khoảng cột 193194 thuộc XT 371/110ĐC và gây ra phóng điện dẫn đến em Hiếu bị bỏng nặng. Trước đó, vào lúc 14 giờ 35 phút, ngày 7-5-2017, ông Nguyễn Ngọc Thanh (xã Đak Yă, huyện Mang Yang) đã trèo lên trụ điện số 27/30 của đường dây 22 kV XT 475/F21 để bắt chim dẫn đến việc bị phóng điện khiến vùng mặt, ngực và tay bị bỏng nặng.

Không may mắn như 2 vụ tai nạn trên, 2 vụ điện giật trước đó xảy ra ngày 11-4-2017 tại làng Grôn (xã Ia Kiêng, huyện Đức Cơ) và vụ tai nạn điện giật vào ngày 8-1-2017 tại làng Dung Dư (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) đã làm 2 người tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm-Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Nhiều trường hợp chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Các vụ tai nạn điện thường gia tăng vào mùa mưa bão. Trẻ em cũng thường gặp tai nạn điện do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn trong gia đình.

 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm: “Để sơ cứu người gặp tai nạn điện, việc đầu tiên là tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện và đưa đến nơi an toàn. Kiểm tra tình trạng nạn nhân để tiến hành các biện pháp sơ-cấp cứu cần thiết và nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Đối với những gia đình có con nhỏ, cần thiết kế các ổ điện an toàn, không nên để trẻ em chơi gần các thiết bị điện… nhằm tránh những tai nạn điện đáng tiếc xảy ra”.

“Tai nạn điện khiến nạn nhân có thể bỏng ở những mức độ khác nhau, thậm chí tử vong do ngừng hô hấp và tuần hoàn. Bỏng điện có thể gây hoại tử và chảy máu thứ phát bởi vì khi dòng điện đi qua tế bào sẽ gây ra hiện tượng đục lỗ màng tế bào, đồng thời làm rối loạn chuyển hóa các chất trong và ngoài màng tế bào… Chảy máu và hoại tử có thể gây nên hội chứng chèn ép khoang và nếu không được phẫu thuật cấp cứu giải phóng chèn ép kịp thời có thể khiến nạn nhân hoại tử chi. Điện giật có thể gây ngừng thở, ngừng tim, tử vong đột ngột nên thời gian cấp cứu nạn nhân tại chỗ trong 5 phút đầu được coi là vàng”-bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm cho biết.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm