Tin tức

Tình báo Anh đã sát hại cựu Tổng thống Ghana Kwame Nkrumah?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 1997, một cựu nhân viên tình báo làm việc cho Tổng cục Tình báo Anh (MI-6) tên Phil Spector, biết mình chẳng còn sống được bao lâu do mắc bệnh hiểm nghèo nên quyết định tiết lộ chính MI-6 đã ám sát cựu Tổng thốngGhana Kwame Nkrumah.

 

Vào ngày 27/4/1972, thông tin về cái chết của cựu Tổng thống Ghana, Kwame Nkrumah tại Rumania, nơi ông sống lưu vong từ năm 1968, đã khiến cho dân chúng Ghana và nhiều quốc gia châu Phi phải bất ngờ và thương tiếc. Ở tuổi 63, người con của núi rừng Nkroful, phía đông Ghana, vẫn còn khỏe mạnh và vừa xuất hiện trên báo chí một số quốc gia XHCN Đông Âu để bác bỏ thông tin của nhiều quốc gia phương Tây loan tin rằng ông sắp chết vì bệnh tật.

 

Cựu Tổng thống Ghana, Kwame Nkrumah.
Cựu Tổng thống Ghana, Kwame Nkrumah.



Kwame Nkrumah có tên thật là Francis Nwia Kofi Ngonloma, sinh ngày 18/9/1909 tại một thị trấn nhỏ ở  cao nguyên Nkroful của Ghana. Vốn ham học nên sau khi tốt nghiệp tiểu học, Kwame nhận được học bổng theo học trung học tại trường học nổi tiếng Prince of Wales ở thủ đô Accra. Chính trong thời gian theo học tại đây, ông mới nhận thức được vị thế của người da đen bản địa dưới con mắt của thực dân Anh ngay chính tại Tổ quốc của mình.

Năm 1929, sau khi tốt nghiệp trung học, Kwame chối từ nhận học bổng đến Anh mà bỏ sang Mỹ để học đại học. Trong thời gian ở Mỹ, ông nghiên cứu về triết học, luật học và cả tư tưởng của Các Mác và Lênin rồi tham gia phong trào Vì một châu Phi thống nhất được khởi xướng bởi nhà hoạt động xã hội người châu Phi George Padmore.

Năm 1945, Kwame đến Anh để vận động việc trao trả độc lập cho Ghana và cũng để bảo vệ luận án tiến sĩ Luật học của mình. Chính hoạt động đấu tranh không những vì độc lập của Ghana mà của cả một châu Phi thống nhất đã khiến ông trở thành thủ lĩnh phong trào sinh viên đấu tranh vì độc lập của các quốc gia Tây Phi.

Kwame lọt vào tầm ngắm bị theo dõi bởi tình báo Anh. Và chính việc hình thành hệ thống các quốc gia XHCN ở Đông Âu là điều kiện để Kwame đề xuất thành lập Liên minh các nước Cộng hòa xã hội ở châu Phi. Để biến đề xuất của mình thành hiện thực, Kwame đã đi khắp nơi gặp gỡ nhiều nhà hoạt động cách mạng người châu Phi để thuyết phục họ tham gia liên minh của mình.

Năm 1947, Kwame trở về Ghana điều hành United Gold Coast Convention, một đảng phái chính trị chủ trương đấu tranh bất bạo lực để giành độc lập cho Ghana từ tay thực dân Anh. Năm 1939, sau 6 tháng bị chính quyền thực dân giam giữ, Kwame rời United Gold Coast Convention để thành lập riêng cho mình một đảng chính trị có tên gọi Convention People's Party (CPP) với khẩu hiệu hành động là “Chỉ có người dân Ghana mới có quyền điều hành đất nước của mình”.

Năm 1951, một lần nữa Kwame lại bị bắt giam  rồi sau đó thoát khỏi một vụ mưu sát mà nghi vấn có sự dính dáng của chính quyền thực dân Anh, trước kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên của Ghana. Chiếm được đa số ghế trong kỳ bầu cử Quốc hội vào tháng 6/1952, CPP trở thành đảng cầm quyền và Kwame trở thành Thủ tướng dân cử đầu tiên của Ghana.

Trong suốt 5 năm sau đó, Kwame luôn gây sức ép để thực dân Anh trao trả độc lập hoàn toàn cho Ghana bằng các biện pháp như bất hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và giáo dục, tổ chức các cuộc biểu dương lực lượng... Kết quả là vào ngày 6/3/1957, thực dân Anh buộc phải chính thức trao trả độc lập cho Ghana. Một năm sau, Kwame lập gia đình với một phụ nữ Ai Cập tên Helena Ritz Fathia, một người em họ của nhà lãnh đạo Ai Cập, Gabdel Nasser.

Năm 1960, khi những người lính Anh cuối cùng rời khỏi Ghana, một Hiến pháp mới đã được Quốc hội thông qua cùng với việc bầu chọn Kwame Nkrumah vào chức vụ Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Ghana. Với sự giúp đỡ của các quốc gia XHCN như Liên Xô và Trung Quốc, Kwame bắt tay xây dựng lại đất nước với việc xây mới hàng loạt trường học, bệnh viện, mở mang đường sá và cử người sang các quốc gia XHCN để được đào tạo.

Kwame còn chủ trương tịch thu đất đai của các địa chủ người da trắng, chủ yếu là người Anh, để chia lại cho nông dân nghèo người bản địa. Hành động này đã gặp phản ứng kịch liệt của Chính phủ Anh nên Chính phủ Anh ra lệnh cho MI-6 bí mật lên phương án loại bỏ Kwame.

Năm 1964, MI-6 bí mật triển khai điệp vụ Rắn Lục, sau khi Kwame tuyên bố áp dụng chế độ một đảng ở Ghana và đề ra những biện pháp kiểm soát thông tin gắt gao, với việc đưa người thâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Ghana để bắt tay với một số phần tử chống đối lại chế độ trong quân đội. Năm 1965, hai vụ bạo loạn đẫm máu xảy ra tại thủ đô Accra đều có bàn tay của tình báo Anh.

Quan hệ giữa Ghana và Anh trở nên tồi tệ khi Kwame ra lệnh trục xuất 6 nhân viên đại sứ quán Anh ở thủ đô Accra vì nghi vấn xúi giục bạo loạn nhằm mục đích lật đổ chính quyền  và dọa sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh. Hành động này của Krumah đã khiến Chính phủ Anh ra lệnh cho MI-6 triển khai phần hai của điệp vụ Rắn Lục là tổ chức sát hại Kwame, lật đổ chính quyền của Kwame, hoặc có thể thực hiện cả hai biện pháp cùng một lúc nếu điều kiện cho phép.

Vào tháng 3/1966, MI-6 đã thành công ở biện pháp đầu tiên khi tổ chức một cuộc binh biến để lật đổ Kwame khi ông  thực hiện một chuyến công du đến Trung Quốc. Trở thành Tổng thống lưu vong, lúc đầu Kwame đến tạm lánh ở Guinée. Nhưng do Guinée không hứa đảm bảo an toàn tính mạng cho ông nên Kwame quyết định đến lưu vong  tại Rumania vào năm 1968. Thế nhưng, MI-6 vẫn không buông tha cho Kwame.

Tháng 5/1971, một kế hoạch bí mật sát hại cựu Tổng thống Kwame Nkrumah đã được MI-6 thông qua. Và người được giao nhiệm vụ  thực hiện kế hoạch này là một chuyên viên ám sát bậc thầy của MI-6 tên Phil là Spector. Trưa ngày 25/4/1972, biết được tin  Kwame được đưa đến bệnh viện để được điều trị chứng rối loạn tim nên nhóm của Spector quyết định ra tay hành động.

Khuya ngày 26/4/1972, hai nhân viên của Spector cải trang thành y tá thâm nhập vào phòng bệnh của Kwame rồi tiêm ngay vào cơ thể ông một liều thuốc gây choáng mạnh. Loại thuốc này một khi được tiêm vào cơ thể sẽ làm tăng bất thường sự co bóp của tim gây nên tình trạng vỡ tim dẫn đến tử vong.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau, Kwame đã đột tử mà nguyên nhân được các bác sĩ đưa ra sau đó là do có sự cố nặng về tim. Sứ mạng hoàn thành, Spector ra lệnh cho nhóm điệp viên Anh quay về lại Thụy Sĩ và người cuối cùng rời khỏi Rumania là Phil Spector.

Trước sức ép của dân chúng Ghana, chính quyền mới ở Ghana cho phép đưa xác của Kwame về an táng tại thủ đô Accra trong một nghi thức trọng thể. Trong khi đó, tại thủ đô London của Anh, Phil Spector và 3 điệp viên khác cùng tham gia điệp vụ sát hại cựu Tổng thống Kwame Nkrumah ở Bucarest được đích thân Thủ tướng  Harrold Wilson trao tặng Huân chương Victoria cao quý của nước Anh.

 

http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/tinh-bao-anh-da-sat-hai-cuu-tong-thong-ghana-kwame-nkrumah-1077802.html

Theo V.H (An Ninh Thế Giới/Dân Việt)


 

Có thể bạn quan tâm