Thời sự - Bình luận

Tình đồng bào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày đầu tiên thực hiện khuyến cáo cách ly trên toàn quốc, Chính phủ cũng công bố gói hỗ trợ an sinh trị giá 30.000 tỉ đồng.

 

Theo đó, mức độ hỗ trợ được triển khai trên 6 nhóm lao động bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và thời gian hỗ trợ được áp dụng trong tháng 4, 5, 6 năm nay.

Đây là động thái kịp thời và có ý nghĩa của Chính phủ trong việc chăm lo cho sức khỏe kinh tế của người dân, để tránh dẫn đến những xáo trộn trong xã hội do hoàn cảnh kinh tế bức bách gây nên. Mới đây, TP HCM cũng đã công bố gói cứu trợ cho người nghèo, thất nghiệp và chuẩn bị chính sách cho người vô gia cư. Dự kiến, nguồn tiền sẽ đến tay người hỗ trợ vào tuần cuối tháng 4. Nhìn rộng ra, các tỉnh, thành khác cũng đang công bố chính sách hỗ trợ an sinh cho người dân.

Như vậy, chính sách quyết liệt trong phòng chống dịch đã được đặt trên nền tảng là chính sách tương trợ kinh tế cụ thể, đó là những tín hiệu tốt và cũng tạo một điều kiện tốt nhất để người dân, đặc biệt người lao động có điều kiện căn bản để chung tay chống dịch đúng theo các chủ trương và quy định mà Chính phủ hướng dẫn. Vấn đề còn lại, việc tính toán để gói cứu trợ được đến tay đối tượng cần tiếp nhận một cách kịp thời, lại cần những giải pháp triển khai có hiệu quả, nhất quán và minh bạch từ trung ương đến cấp cơ sở. Cũng như những đợt cứu trợ xã hội khi có thiên tai, bộ máy phân phối cứu trợ cần có trách nhiệm và sự nhạy bén để người dân khó khăn không rơi vào tình trạng túng thiếu trong thời gian chờ đợi thủ tục và chuyển giao, không để xảy ra tiêu cực đáng tiếc.

Ngoài ra, một khía cạnh khác của hỗ trợ an sinh cũng cần được phát động và khuyến khích sâu rộng trong cộng đồng. Thật nhiều hình ảnh đẹp trong những ngày đầu tiên thực hiện biện pháp giãn cách trên toàn quốc (theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg), trên đường phố TP HCM đã xuất hiện những điểm phát nhu yếu phẩm cho người nghèo. Những nhóm thiện nguyện đã treo bảng với những khẩu hiệu thật ấm lòng: "Nếu khó khăn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác" hay "Miễn phí phần ăn cho người khó khăn"... Trên mạng xã hội, hàng chục điểm hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người nghèo cũng được cư dân mạng chia sẻ. Các thành viên quán cơm cho người nghèo cũng kêu gọi tình nguyện viên tham gia giao cơm trong lúc người lao động nghèo phải ở nhà, mất việc. Các cơ quan báo chí truyền thông, những tổ chức từ thiện cũng đã nhập cuộc trong việc tạo ra sự kết nối giữa những tấm lòng thơm thảo, mở rộng mạng lưới tương tác rộng khắp với mục tiêu chung: hỗ trợ kịp thời cho những đồng bào đang lâm cảnh khó khăn cần ứng cứu về kinh tế. Tinh thần này đặc biệt có ý nghĩa vào dịp Quốc Giỗ - Giỗ Tổ Hùng Vương, cả nước hướng về cội nguồn.

Tóm lại, việc chăm sóc cho người lao động nghèo, người bị tổn thương bởi đại dịch cần những chính sách hỗ trợ an sinh, phương thức thực hiện nhanh chóng, hiệu quả và ngoài ra, cũng cần những hoạt động thiện nguyện cụ thể ngay từ trong cộng đồng. Lúc này, những giá trị từ tâm, những chính sách hiện thực hóa thông điệp trách nhiệm săn sóc đời sống người dân mới thực sự cần tính kịp thời và hiệu quả hơn bao giờ hết.

 

Theo Nguyễn Tường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm