Tin tức

Tình hình chính trị Thái Lan tiếp tục diễn biến căng thẳng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Căng thẳng ở Thái Lan hiện vẫn chưa có lối thoát khi không ai chịu nhường ai.

Vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát 18-2 vừa qua làm 5 người chết và 69 người bị thương, trong đó có cả cảnh sát và người biểu tình, đã khiến dư luận Thái Lan càng cảm thấy đau buồn và lo ngại, vì cuộc biểu tình chống Chính phủ trong khoảng 3 tháng qua đã làm 16 người chết và 689 người bị thương.
 

 Cảnh sát Thái Lan bị người biểu tình tấn công trong vụ đụng độ ở Bangkok hôm 18-2.
Cảnh sát Thái Lan bị người biểu tình tấn công trong vụ đụng độ ở Bangkok hôm 18-2.

Đặc biệt, lãnh đạo Trung tâm bảo vệ trị an cho biết: “Có một nhóm vũ trang trà trộn trong đám biểu tình và dùng vũ khí quân dụng tấn công cảnh sát khi họ đang làm nhiệm vụ thu hồi địa điểm biểu tình, khiến nhiều người của hai bên thương vong”.

Trong hai ngày qua, Trung tâm bảo vệ trị an đã tạm thời ngừng chiến dịch thu hồi các địa điểm biểu tình ở Thủ đô Bangkok để điều chỉnh biện pháp tiến hành nhằm tránh xảy ra đụng độ bạo lực với người biểu tình; đồng thời các cơ quan chức năng bắt đầu tiến hành điều tra nguyên nhân xảy ra vụ bạo lực nêu trên.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo biểu tình Suthep cũng chỉ tổ chức một số cuộc tuần hành nhằm gây sức ép đối với Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Do đó, tình hình an ninh chính trị Thái Lan hiện tạm thời giảm nhiệt; song cuộc đấu tranh giữa phe Chính phủ và phe đối lập ở Thái Lan vẫn đang tiếp diễn rất căng thẳng.

Cần phải nêu rõ rằng, lãnh đạo Trung tâm bảo vệ trị an Thái Lan nhiều lần khẳng định, chiến dịch thu hồi các địa điểm biểu tình không phải nhằm giải tán, đàn áp biểu tình mà là dùng các biện pháp mềm dẻo nhằm giải tỏa đường giao thông, tạo thuận lợi cho công chức vào làm việc bình thường tại các công sở; đồng thời để phát hiện, bắt giữ một số đối tượng tội phạm, tàng trữ vũ khí trà trộn trong người biểu tình.

Theo thông báo của Trung tâm bảo vệ trị an, tính đến ngày 20-2, đã có 55 công sở trở lại làm việc bình thường. Bộ trưởng lao động Thái Lan tạm quyền và là Chỉ huy trưởng Trung tâm bảo vệ trị an Chalerm Yubumrung cho biết: “Sắp tới, lực lượng cảnh sát Thái Lan sẽ tiếp tục chiến dịch thu hồi các địa điểm biểu tình ở khu vực các công sở quan trọng như xung quanh Phủ Thủ tướng, Bộ Nội vụ, Trung tâm hành chính quốc gia… nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên”.

Đáng chú ý, chiều 19-2, Tòa án Dân sự Thái Lan đã ra phán quyết cho phép Chính phủ tạm quyền nước này vẫn được áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, Tòa đã phán quyết cấm Chính phủ tạm quyền Thái Lan ban hành một số quyết định theo Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp liên quan đến cuộc biểu tình của ông Suthep.

Trong đó, Tòa án Dân sự cấm Chính phủ không được sử dụng lực lượng và vũ khí giải tán biểu tình; Cấm ra lệnh tháo dỡ, phá hủy các chướng ngại vật. Chính phủ không được cấm đường giao thông, không được ban hành lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên, không được cấm vào các các tòa nhà, không được ra lệnh cho người sơ tán hoặc ra vào các địa điểm biểu tình...

 

 Những người biểu tình bị thương sau các vụ đụng độ hôm 18-2.
Những người biểu tình bị thương sau các vụ đụng độ hôm 18-2.

Tòa giải thích lý do đưa ra phán quyết nêu trên là vì, cuộc biểu tình của ông Suthep đã được Tòa án Hiến pháp phán quyết là cuộc biểu tình hòa bình, phi bạo lực. Phán quyết này của Tòa án Dân sự tuy nhằm mục đích ngăn ngừa đụng độ bạo lực; song cũng phần nào hạn chế hoạt động của lực lượng Cảnh sát trong việc kiểm soát biểu tình.

Do đó, hôm 20-2, lãnh đạo Trung tâm bảo vệ trị an cho biết sẽ đề nghị Tòa Dân sự làm rõ phạm vi hoạt động của cảnh sát trong việc đối phó với các hoạt động phạm pháp của người biểu tình để đảm bảo duy trì an ninh trật tự chung.

Bên cạnh đó, Trung tâm bảo vệ trị an cũng vừa được Tòa án hình sự Thái Lan cấp lệnh bắt đối với 3 lãnh đạo biểu tình về tội ngăn cản bầu cử Hạ viện; đồng thời đang chờ Tòa xét cấp lệnh bắt đối với khoảng 20 lãnh đạo biểu tình khác do vi phạm Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là một mục tiêu quan trọng về an ninh, giúp Chính phủ hạn chế được các hoạt động chống phá cực đoan của ban lãnh đạo biểu tình.

Về những vấn đề liên quan đến chương trình thu mua thóc gạo của nông dân đang gây tranh cãi trong dư luận Thái Lan, việc Ủy ban chống tham nhũng công bố truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với Thủ tướng tạm quyền Yingluck liên quan đến chương trình thu mua thóc gạo của nông dân sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực tới vị thế chính trị của Thủ tướng Yingluck và đảng Vì nước Thái, nhất là trong tiến trình bầu cử Hạ viện. Nếu các cơ quan tư pháp khẳng định Thủ tướng Yingluck vi phạm Hiến pháp và Luật hình sự, thì bà có thể bị buộc từ chức và thậm chí bị phạt tù.

Tuy nhiên, phe Chính phủ cho rằng Ủy ban chống tham nhũng đang xử lý vụ án này theo "tiêu chuẩn kép". Cụ thể, Ủy ban chống tham nhũng xử lý rất chậm vụ án tương tự liên quan đến cựu Thủ tướng Abhisit trước đó, trong khi lại thúc đẩy nhanh việc xử lý vụ án mới liên quan đến Thủ tướng tạm quyền Yingluck. Vì vậy, cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan có thể sẽ gia tăng phức tạp nếu Thủ tướng Yingluck bị hệ thống tư pháp xét xử bất công và lực lượng quần chúng ủng hộ bà xuống đường biểu tình phản đối.

Bên cạnh đó, hàng nghìn nông dân từ các tỉnh đã và đang tới Thủ đô Bangkok để biểu tình đòi Chính phủ thanh toán tiền nợ thu mua thóc gạo, đã làm tăng thêm sức ép và khó khăn cho Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck; nhất là khi phe đối lập sử dụng vấn đề thiếu nợ nông dân làm con bài chính trị chống phá Chính phủ.

Bằng chứng rõ ràng nhất là việc người biểu tình tìm mọi cách ngăn cản các ngân hàng cho Chính phủ vay tiền trả nợ nông dân; kích động nông dân tham gia biểu tình đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức... Trong khi đó, các khoản tiền dùng để trả nợ cho nông dân còn phải chờ được Ủy ban bầu cử Thái Lan xem xét,  phê duyệt theo luật định.

Tuy nhiên, đa số nông dân Thái Lan, nhất là ở khu vực miền Bắc và Đông Bắc vẫn là lực lượng ủng hộ chính trị quan trọng đối với đảng Vì nước Thái và Thủ tướng Yingluck. Đa số nông dân tuy mong muốn Chính phủ sớm trả nợ cho họ; song họ vẫn bày tỏ sự thông cảm và thiện chí đối với Thủ tướng Yingluck và đảng Vì nước Thái.

Mặt khác, Chính phủ Thái Lan hiện cũng đang tiến hành việc trả nợ cho nông dân ở một số tỉnh; đồng thời tích cực tìm kiếm các nguồn tài chính để có thể thanh toán cho toàn bộ nông dân tham gia chương trình thu mua thóc gạo.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm