Ngày 2-6, trong một cuộc họp kéo dài suốt 10 tiếng tại Washington, 34 quốc gia thành viên của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã thông qua tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ Venezuela và phe đối lập đối thoại hòa giải.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) tham gia tuần hành cùng người dân tại thủ đô Caracas. |
Tại Nam Mỹ, tuyên bố khẳng định ủng hộ đàm phán và đối thoại giữa các bên ở Venezuela nhằm giải quyết nhanh chóng và hiệu quả những bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp và nhân quyền. OAS cũng nêu rõ chính phủ, tất cả các phe phái chính trị và các tổ chức xã hội cần đảm bảo hòa bình và an ninh Venezuela, đồng thời nhấn mạnh cần tôn trọng chủ quyền của quốc gia Nam Mỹ.
Văn bản đánh giá cao vai trò trung gian hòa giải của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) cũng như các cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, các cựu Tổng thống Dominica Leonel Fernandez và Panama Martin Torijos giữa chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD).
Đại sứ Venezuela tại OAS Bernardo Álvarez nhấn mạnh Caracas sẽ không cho phép các nhóm phản động trong và ngoài nước gây bất ổn tình hình đất nước. Về phần mình, Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez cho rằng đây là thắng lợi của Caracas và bày tỏ sự cảm ơn tới các nước ở khu vực đã ủng hộ nền dân chủ và chủ quyền quốc gia của nước này.
Cuộc họp diễn ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thư ký OAS Luis Almagro triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Thường trực vào giữa tháng này để bàn về cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela và xem xét bỏ phiếu áp dụng Hiến chương dân chủ của OAS đối với Caracas.
Tuy nhiên, tại cuộc họp không có ông Almagro tham dự, nhiều quốc gia Ecuador, Nicaragua, Venezuela, Dominica và Jamaica đã chỉ trích thái độ chống Chính phủ Venezuela của người đứng đầu OAS.
Trong phiên họp được dự kiến tiến hành trong khoảng thời gian từ 10 đến 20-6, nếu 2/3 trong số 34 nước bỏ phiếu thông qua việc áp dụng Hiến chương dân chủ với Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này sẽ bị treo tư cách thành viên. Cho tới nay, OAS mới chỉ một lần trục xuất Cuba vào năm 1962 dưới sự vận động của Mỹ. Năm 2009, OAS đã tuyên bố tái kết nạp lại Cuba nhưng La Habana từ chối tái gia nhập tổ chức khu vực lâu đời và nhiều thành viên nhất châu Mỹ này vì cho rằng đây vẫn là công cụ của Mỹ.
Theo TTXVN